Thông tin của báo Nikkei Asia của Nhật Bản trong số phát hành vào tháng 2/2023 về việc xếp hạng chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh được báo chí và người dân rất quan tâm.
TTXVN - Ngày 19/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã làm việc với UBND Quận 1 về kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, báo chí và người dân rất quan tâm đến thông tin của báo Nikkei Asia của Nhật Bản trong một số phát hành vào tháng 2/2023. Số báo này đã dẫn báo cáo của Công ty QS Supplies (có trụ sở tại Anh) xếp hạng chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Chỉ số đánh giá xếp hạng này có phần phản ánh đúng tình hình hiện tại của hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tại khu vực Quận 1 - nơi tập trung lượng lớn khách du lịch. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc duy tu, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. Trước đây, Thành phố đã có chủ trương về việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng nhưng chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức nên đến nay hiệu quả chưa cao.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo các cấp, ngành phải hành động quyết liệt để cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng theo hướng hiện đại, đảm bảo yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường; trước ngày 30/4 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Vị trí đặt nhà vệ sinh công cộng phải chú ý đến nhu cầu của người dân và du khách; tính toán để đặt nhà vệ sinh công cộng lưu động và cố định ở vị trí phù hợp.
Chủ tịch UBND Quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, trên địa bàn Quận có 18 khu vệ sinh công cộng đang hoạt động tại 13 địa điểm gồm 4 chợ, 7 công viên, 1 trạm xe bus và 1 khu dân cư. Bên cạnh đó, Quận 1 còn nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại… có nhà vệ sinh hiện đại, có thể hỗ trợ phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.
Từ năm 2017, UBND Quận 1 đã chỉ đạo UBND các phường vận động được 100 vị trí từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận tạo điều kiện để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Ở các điểm có hỗ trợ nhà vệ sinh miễn phí đều có gắn logo màu xanh với dòng chữ “Toilet - Free of charge” nhằm giúp người dân và du khách nhận biết. Dù vậy người dân, du khách còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp. Trong khi đó, tại các nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí thì ý thức người sử dụng chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng; còn tình trạng người sử dụng xả rác, tận dụng tắm giặt hoặc lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, một khó khăn khác là hiện Quận 1 cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn Thành phố chưa có quỹ đất công cộng để bố trí địa điểm xây dựng nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là tại khu vực các chợ, công viên, bến xe bus. Cùng với đó là khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu. Dự kiến chi phí đầu tư mỗi nhà vệ sinh công cộng khoảng 550 triệu đồng, chi phí vận hành mỗi điểm tối thiểu 36 triệu đồng/tháng. Nếu địa phương có thể vận động các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí xây nhà vệ sinh công cộng thì Thành phố không phải dùng ngân sách. Sở đã phối hợp với Quận 1 để làm việc với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất đầu tư xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng của một số doanh nghiệp chưa hài hòa giữa vị trí nhà đầu tư mong muốn và vị trí cần thiết lắp đặt để phục vụ người dân. Nhiều nhà đầu tư cũng băn khoăn về tính khả thi của việc thu hồi vốn sau khi xây dựng xong các công trình nhà vệ sinh công cộng do phải mất 3 năm hoạt động mới có thể đủ chi phí đầu tư ban đầu và còn 10 chi phí khác trong quá trình hoạt động.
Để khắc phục những khó khăn trên, UBND Quận 1 đã có buổi làm việc với một số đơn vị chuyên về lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhà vệ sinh công cộng để tổng hợp ý kiến đề xuất, đóng góp về việc đầu tư xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố. Quận 1 phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng mới từ 3 đến 5 nhà vệ sinh công cộng trước ngày 30/4/2023.
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu người sinh sống, trong năm 2022 đón 30 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách (trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế). Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố hiện nay chỉ có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng. Người dân và du khách đến Thành phố rất khó khăn để tìm các nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh dành cho người già, trẻ em và người khuyết tật.../.