An sinh

Hướng đến xây dựng hệ thống Công đoàn vận hành tốt hơn

TP. Hồ Chí Minh

Công đoàn trong giai đoạn mới phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tai hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; việc bố trí cán bộ công đoàn không chuyên trách; nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn ngành địa phương; độ tuổi với cán bộ công đoàn; việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn… Đây là những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến một số nội dung Dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi bổ sung) của Đoàn khảo sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì vào ngày 11/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ tiến hành Đại hội; trình tự thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, quản lý đoàn viên; khái niệm, phân loại, cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ công đoàn; vấn đề tín nhiệm cán bộ công đoàn. Các điều khoản liên quan về công đoàn cơ sở doanh nghiệp; nhiệm vụ công đoàn ngành địa phương; công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất…

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric Việt Nam phát biểu tại hội nghị.(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở không chuyên trách, liên tục nhiều nhiệm kỳ, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric Việt Nam chia sẻ không ít khó khăn khi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, Điều 24 luật Công đoàn quy định cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng là rất khó.

“Ở doanh nghiệp FDI, môi trường làm việc công nghiệp, tác phong làm việc tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc; thời gian được tính từng giây, từng phút. Điều này cho thấy, cán bộ Công đoàn phải thật sự có tâm huyết thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Vân chia sẻ.

Từ thực tiễn, bà Vân đề xuất nên tách “nhiệm vụ” và “quyền hạn” riêng biệt tại hai điều khác nhau. Điều lệ sửa bổ sung cần tăng thêm quyền cho Công đoàn cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là quyền và nhiệm vụ chăm lo và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho tập thể người lao động.

Theo bà Vân, Điều lệ sửa nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở ngoài doanh nghiệp cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm; cần nhiệm vụ cốt lõi liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động. Cần giảm tải các hoạt động liên đới đến các ngành, giới khác; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với Công đoàn cơ sở bởi hiện nay có quá nhiều báo cáo đưa về cơ sở, thậm chí có báo cáo rất khó làm hoặc không thể triển khai được.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định theo hướng tăng nguồn kinh phí tại cơ sở nhằm tăng tính chủ động và kịp thời chăm lo cho công đoàn viên, người lao động; đảm bảo cho Công đoàn cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bà Lê Thị Hồng Nhan, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tai hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Hồng Nhan, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cán bộ Công đoàn hiện phải “đứng” nhiều vai (trong chính quyền, Đảng, Công đoàn) nên áp lực công việc rất lớn. Tuy nhiên, theo quy định thì mức hỗ trợ hiện nay cho cán bộ Công đoàn giảm trong khi việc ngày càng nhiều khiến nhiều cán bộ Công đoàn tâm tư. Ngoài ra, tại Điều 17 quy định Công đoàn tham gia giải quyết nguyện vọng, nhưng thực tế Công đoàn chỉ giữ vai trò giám sát.

Góp ý cho Dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi bổ sung), ông Trần Nhật Sinh, Chủ tịch Công đoàn khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Điều lệ Công đoàn không nên đi quá sâu vào chi tiết, bởi khi phát sinh vấn đề mới thì phải chờ đến 5 năm sau mới điều chỉnh.

Về Công tác tổ chức, tại khoản 3 Điều 11 quy định người trúng cử phải quá 1/2 số phiếu gửi về. Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị đóng trên địa bàn thành phố nhưng nhiều đoàn viên Công đoàn ở xa nên việc lấy ý kiến hay triệu tập là vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, cũng do ở xa nên hoạt động Công đoàn gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm nên dẫn tới người lao động sẽ gia nhập tổ chức đại diện người lao động khác.

Về thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam đề nghị cần phải cao hơn quy định pháp luật. Nếu người lao động có nguyện vọng tham gia tổ chức Công đoàn thì không phân biệt tuổi tác bởi họ đang thực hiện hợp đồng lao động và cần tạo điều kiện thuận lợi để họ gia nhập tổ chức Công đoàn…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất xem xét bổ sung Điều 4 thủ quỹ, kế toán Công đoàn cơ sở cũng là cán bộ Công đoàn; tại điểm g khoản 1 Điều 5 về trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ Công đoàn nên hướng đến “Có trách nhiệm bảo vệ chế độ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Tổ chức công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh”. Các đại biểu cũng kiến nghị bổ sung khoản 2, Điều 5 nội dung “Cán bộ công đoàn đảm bảo tiêu chuẩn sẽ được ưu tiên giới thiệu quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, chủ chốt tại đơn vị. Được quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... phục vụ công tác".

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Phát biểu hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), nhất là trong giai đoạn mới khi có nhiều thay đổi trong tổ chức đại diện người lao động và hoạt động Công đoàn. Đồng thời, đánh giá cao việc góp ý Dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi bổ sung) góp phần xây dựng hệ thống Công đoàn vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn hướng đến sự kiện chính trị quan trọng của hệ thống Công đoàn là Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cũng lưu ý tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới phải thật sự là tổ chức đại diện cho người lao động; phải bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng bằng đối thoại, thương lượng. Quyền lợi hợp pháp, đoàn viên phải được hưởng đầy đủ; đoàn viên Công đoàn có sự khác biệt với người lao động không chỉ về đời sống vật chất mà còn là đời sống tinh thần. Đặc biệt, vai trò quyết định của đoàn viên đối với sự tồn tại của tổ chức Công đoàn. Do vậy, hoạt động Công đoàn hướng đến cơ sở; vai trò Công đoàn cấp trên cơ sở rất quan trọng và phải có trách nhiệm hỗ trợ cơ sở.

Ông Hải cũng yêu cầu tổ chức Công đoàn phải phối hợp nhịp nhàng với cả hệ thống chính trị; có giám sát và ban hành các chính sách, phúc lợi tốt hơn; phối hợp với doanh nghiệp quan tâm, có chế độ giữ người lao động và xem đó là đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đoàn viên Công đoàn phải nâng cao trách nhiệm; cùng với doanh nghiệp giữ gìn văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tập đoàn và đặc biệt là văn hóa Việt Nam…./.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm