An sinh

Không vinh danh, khen thưởng các đơn vị nợ, trốn, không đóng đủ bảo hiểm cho người lao động

Hà Nội

Năm 2022, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp diễn với 78.853 đơn vị, doanh nghiệp.

TTXVN - Để thực hiện trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giám sát việc thực thi pháp luật tại các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng tập hợp ý kiến của cán bộ Công đoàn và người lao động; phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến các cơ quan quản lý để cùng phối hợp giải đáp, tháo gỡ và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các cấp Công đoàn chủ động, tích cực kiến nghị việc thực hiện các quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách đó đến Công đoàn cơ sở và người lao động; vận động người sử dụng lao động tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp và góp phần để chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực sự là những trụ cột lớn trong hệ thống an sinh xã hội.

Theo chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với Bảo hiểm Xã hội cùng cấp để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh phát hành các loại tờ rơi, tờ gấp... đến tay người lao động. Công đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Bảo hiểm Xã hội tăng cường phối hợp trong việc giải quyết các vướng mắc khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng thời, nâng cao năng lực của các cấp Công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong lĩnh vực này; tham gia xây dựng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn người lao động ký hợp đồng lao động đảm bảo đúng pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với người lao động.

Đáng chú ý, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu không vinh danh, đề nghị khen thưởng các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, năm 2022, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp diễn với 78.853 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng từ 2 tháng trở lên, tổng số tiền nợ trên 15.008 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ phối hợp các sở, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 150-200 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động về thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động…. Trong đó, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp tổ chức kiểm tra từ 650 đến 700 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn./.

Minh Nghĩa

Xem thêm