Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Đáp ứng yêu cầu, thông lệ hội nhập quốc tế
Dự thảo luật hướng đến khắc phục những hạn chế như diện bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn và tình trạng chậm đóng, trốn đóng còn nhiều.
TTXVN - Ngày 21/3, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại Hội nghị, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã phát huy tác dụng; trong đó đảm bảo an sinh xã hội thực hiện đúng nguyên tắc đóng - hưởng theo Luật định. Tuy nhiên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này nhằm đảm bảo tính thống nhất quan điểm và đồng thuận đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hướng đến khắc phục những hạn chế như diện bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn và tình trạng chậm đóng, trốn đóng còn nhiều, một số vi phạm Luật (năm 2014) nhưng việc xử lý chưa nghiêm; đồng thời đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và thông lệ hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Thống nhất cơ bản về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho rằng, trong 9 chương, 133 điều (tăng 8 điều) của dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiều chính sách, những quy định mới về trợ cấp xã hội, công tác quản lý và thu chi.
Một trong những vấn đề cốt lõi, mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trong đó bao gồm các chủ hộ sản xuất kinh doanh); bổ sung các chế độ ốm đau, thai sản, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung về tỷ lệ hưởng lương hưu nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Mai Ngọc Thuần đề xuất, dự thảo cần bổ sung thêm trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 1, Điều 4 và Điều 25. Tại điều 7 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như chiếm dụng, cản trở, gian lận, trốn đóng… cần có giải thích cụ thể từ ngữ để có căn cứ truy tố trách nhiệm theo luật định khi doanh nghiệp vi phạm. Mức hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho một con mới sinh quy định tại Điều 101 là quá thấp, chưa thật sự phù hợp. Do vậy, dự thảo Luật cần tăng mức hưởng trợ cấp thai sản, nhất là đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tương tự, tại khoản 3, Điều 90 về trợ cấp mai táng nên giữ lại bằng 10 lần mức lương cơ sở; khoản 1 Điều 92 về mức trợ cấp tuất hàng tháng nên quy định theo tỷ lệ % mức lương cơ sở.
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm và góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần; quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm…
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam cho rằng, với quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đa số người lao động chọn phương án 1 (tức là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm) giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi và chủ động hơn trong công tác an sinh xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Ông Củ Phát Nghiệp đề xuất, dự thảo Luật cần quy định việc các chuyên gia nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là nhận trợ cấp 1 lần. Bởi vì, các chuyên gia nước ngoài không có điều kiện hưởng chế độ hưu trí ở Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu cần xem xét điều chỉnh theo hướng linh hoạt. Cụ thể: Tuổi làm việc công sở theo quy định là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, nhưng tuổi nghỉ hưu với người lao động thì không nên quy định "cứng". Bởi vì, người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là ngành nghề may mặc, giày da, những ngành thâm dụng lao động ít có trường hợp làm việc đến 60 hoặc 62 tuổi. Do đó, người lao động ở lĩnh vực này không nên quy định tuổi hưu mà quy định năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Các đại biểu cũng góp ý xoay quanh quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời đề xuất làm rõ hơn thế nào là trốn đóng; cơ chế xử phạt tội trốn đóng bảo hiểm xã hội; cơ quan đại diện khởi kiện…/.