Đột phá theo Nghị quyết 57: Đổi mới sáng tạo, bắt nhịp kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra một không gian phát triển mới cho các trường đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An đang nắm bắt cơ hội này, không chỉ đổi mới cách dạy, cách học mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng sinh viên.
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An (phường Khánh Hậu, tỉnh Tây Ninh) xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà còn là cơ hội để nâng tầm chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Nhận thức rõ vai trò dẫn dắt của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhà trường triển khai kế hoạch truyền thông bài bản, lan tỏa đến cán bộ, giảng viên, sinh viên về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như, hội thảo chuyên đề, chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học trong sinh viên… Nổi bật là cuộc thi thường niên “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” - sân chơi giàu giá trị thực tiễn, tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện tư duy đổi mới và năng lực giải quyết vấn đề.
Em Lê Minh Tùng, sinh viên khóa 21 Khoa Công nghệ là một trong những gương mặt tiêu biểu gắn bó với hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường. Từ những tò mò thuở nhỏ về công nghệ, khi vào đại học, Tùng được tiếp cận với các đề tài nghiên cứu thực tiễn dưới sự hướng dẫn của giảng viên Khoa Công nghệ. Năm 2024, Tùng đạt giải Khuyến khích với đề tài ứng dụng xử lý ảnh vệ tinh viễn thám phục vụ nông nghiệp thông minh khi tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An, lần thứ 5.
“Những đề tài giúp em không chỉ giải đáp những câu hỏi mà còn rèn luyện được các kỹ năng mềm như, làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. Em hy vọng các bạn sinh viên khóa sau tiếp tục theo đuổi đam mê, đừng ngại thất bại. Vì nghiên cứu khoa học không chỉ dành cho thiên tài mà cho tất cả những ai có đam mê và sự kiên trì”, Minh Tùng chia sẻ.
Còn với em Văn Công Trường Huy, sinh viên Khoa Công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực em say mê theo đuổi. Trường Huy đang nghiên cứu ứng dụng AI vào mô hình nhà hàng tự động, nơi robot có thể đảm nhiệm một phần công việc phục vụ khách hàng. Kết quả, em với nhóm bạn đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An lần thứ IV về mô hình “Robot tự vận hành phục vụ trong nhà hàng”.
“AI có thể hỗ trợ rất nhiều trong cuộc sống và em muốn mình góp phần làm cho nó trở nên hữu ích, gần gũi hơn với thực tế”, Huy cho biết thêm.
Thầy Ngô Văn Linh, Phó trưởng Khoa Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực số. Khoa đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, tích hợp năng lực số cho sinh viên. Song song đó, sinh viên được yêu cầu hoàn thành các chứng chỉ quốc tế từ những nền tảng như, Coursera, Udemy, FreeCodeCamp… giúp nâng cao kỹ năng số, ngoại ngữ và năng lực học tập suốt đời - điều kiện cốt lõi để thích ứng trong kỷ nguyên số. Khoa Công nghệ thường xuyên kết nối với doanh nghiệp, mời chuyên gia về giảng dạy, hướng nghiệp, tạo cầu nối giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Nhờ đó, nhiều sinh viên của trường đạt giải trong các cuộc thi.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An khẳng định, phát triển trí tuệ nhân tạo là một trong những trụ cột chiến lược của nhà trường. Trước mắt, trường tích hợp các học phần AI vào chương trình đào tạo, không chỉ giúp sinh viên “biết sử dụng” mà còn có khả năng “ứng dụng và giải quyết vấn đề”.
Về lâu dài, nhà trường định hướng đầu tư đồng bộ hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ thực hành chuyên sâu như: Phòng lab vi mạch bán dẫn, lập trình nhúng, robot tự động, AI ảo… Qua đó, sinh viên được nghiên cứu, trải nghiệm và tích hợp kiến thức AI vào các ngành nghề khác như, kinh doanh, logistics, y tế, dịch vụ.
“Chúng tôi không chỉ đào tạo người sử dụng công nghệ mà hướng đến đào tạo những con người có năng lực số, có khả năng sáng tạo, biết làm việc cùng AI, đồng thời vẫn giữ được trách nhiệm xã hội và giá trị nhân văn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Tuấn nhấn mạnh.
Nghị quyết 57-NQ/TW mở ra một không gian phát triển mới cho các trường đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An đang nắm bắt cơ hội này, không chỉ đổi mới cách dạy, cách học mà còn khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong từng sinh viên. Chính từ những bước đi bài bản, kiên định đó, nhà trường đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu lớn: Tạo ra thế hệ trí thức trẻ có năng lực số, chủ động thích ứng với biến động và đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu./.
- Từ khóa:
- Nghị quyết 57
- sáng tạo
- trí tuệ nhân tạo