Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần điều chỉnh thời hạn quy định giấy phép hành nghề
Dự án Luật đã cơ bản được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số quy định liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(TTXVN) Chiều 6/12, tại Phú Thọ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Dự án Luật đã cơ bản được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau về một số quy định liên quan đến người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về chuyên môn kỹ thuật tại Chương V; các quy định liên quan khám bệnh, chữa bệnh lưu động, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... Vì vậy, các đại biểu cần tập trung thảo luận vào những nội dung chính nêu trên để đưa ra những ý kiến chất lượng đóng góp vào Dự án Luật.
Tại Hội nghị, nhiều nội dung cụ thể được các đại biểu quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận như: thời hạn quy định giấy phép hành nghề 5 năm (Điều 21) là rất ngắn, gây khó khăn cho cả người hành nghề và cơ quan quản lý, điều chỉnh thành 10 năm thì phù hợp hơn. Nội dung Hội đồng y khoa Quốc gia tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề (Điều 23) là không cần thiết và không phù hợp, gây nhiều khó khăn cho người hành nghề; do đó nếu bắt buộc phải thi nên ủy quyền cho các Sở Y tế đánh giá. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ hơn và quy định cụ thể về người đại diện của người bệnh; xem xét, đánh giá lại việc mua bảo hiểm trách nhiệm cho người hành nghề y; vấn đề về an ninh bệnh viện cũng cần được quan tâm và quy định cụ thể hơn; nên sáp nhập các trung tâm cấp cứu ngoại viện về các bệnh viện...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, những ý kiến đóng góp xác đáng, chi tiết và chất lượng của các đại biểu xuất phát từ thực tiễn trong quá trình triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở, đơn vị. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tương đối khó, phức tạp, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng, có chuyên môn sâu của ngành y tế nhưng lại có liên quan đến các ngành khác nhau. Những nội dung thay đổi trong Dự án Luật sẽ có tác động trực tiếp đến toàn bộ lực lượng cán bộ y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh và hàng triệu người dân. Vì vậy, tất cả những ý kiến trên sẽ được Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu, tổng hợp và mong muốn tiếp tục nhận thêm các ý kiến khác bằng văn bản, để các quy định của Luật được thông qua sẽ đảm bảo về chất lượng và khả thi khi tổ chức thực hiện./.