Du lịch nghỉ dưỡng biển, tỉnh đã phát huy tốt các loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch cộng đồng.
TTXVN - Sáng 14/11, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị đánh giá hai năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, ngành Du lịch đã có những bước chuyển biến mới, phát triển khá toàn diện, có hiệu quả. Trong thời gian COVID-19, tỉnh đã tích cực triển khai những giải pháp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch vượt qua các khó khăn, thách thức. Nổi bật trong năm 2023, du lịch Bình Thuận đã hồi phục và có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, các chỉ tiêu du lịch tăng trưởng ổn định, đạt kế hoạch đề ra.
Năm 2022, toàn tỉnh đã đón 5,7 triệu lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.700 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 7,04%. Mười tháng của năm 2023, Bình Thuận đón 7,3 triệu lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 18.800 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 8,77%. Qua 2 năm triển khai Nghị quyết 06, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 16,28%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 2,07 lần/năm; khách nội địa tăng bình quân 14,8%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 16,56%/năm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng biển, tỉnh đã phát huy tốt các loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch cộng đồng… Tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát các sản phẩm, loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn như: Cù lao Câu, hồ Hàm Thuận - Đa Mi, tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng, hai tour “lên rừng, xuống biển” và “đất liền, biển đảo”… Năm 2023, Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Việc tổ chức chức thành công các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia 2023 là cơ hội lớn để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới.
Địa bàn toàn tỉnh hiện có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.031 ha và tổng vốn đăng ký 74.296 tỷ đồng. 193 dự án du lịch đã đi vào hoạt động. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với 597 cơ sở đang hoạt động, tổng số 19.096 phòng. Ngoài ra còn có 315 biệt thự du lịch và 1.019 căn hộ du lịch; có 22 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động là 118 người, trong đó có 31 hướng dẫn viên quốc tế, 51 hướng dẫn viên nội địa và 36 hướng dẫn viên tại điểm.
Tuy nhiên, du lịch Bình Thuận hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa mạnh; sản phẩm du lịch tuy đã có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch chưa được giải quyết dứt điểm; vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nhất là tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng…
Để tiếp tục đưa ngành Du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 06. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực, tập trung vào các dự án có quy mô lớn, đồng thời, xử lý nghiêm các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt xây dựng các tuyến đường giao thông ven biển…, tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thực hiện các dự án; quan tâm xây dựng, chỉnh trang đô thị nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng người dân Bình Thuận thân thiện, nghĩa tình, mến khách…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch. Cụ thể, tỉnh tập trung xây dựng hoàn thành và tổ chức thực hiện Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý Khu Du lịch Quốc gia Mũi Né, Đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030../.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- Nghị quyết 06
- du lịch
- kinh tế mũi nhọn