Môi trường

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia

Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đào Trung Chính trả lời phỏng vấn báo chí (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến góp ý của đông đảo quần chúng nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội, tập trung vào quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Những nội dung này có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và đến hệ thống an sinh xã hội. Liên quan đến chủ đề này, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đào Trung Chính đã trả lời phỏng vấn của báo chí.

*Phóng viên: Xin ông cho biết những điểm mới về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

*Cục trưởng Đào Trung Chính: Qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung thu hồi đất có 956.276 lượt ý kiến góp ý.

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã có những quan điểm chủ trương chỉ đạo về công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những điểm đổi mới căn bản về công tác thu hồi đất như: Quy định rõ khái niệm “Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa”.

Các tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, gồm 3 tiêu chí lớn gồm: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: Nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách…

Tại Điều 80 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện thu hồi đất như: Phải đáp ứng tiêu chí là thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất; phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận; đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.

Quy định cho phép thu hồi đất để xây dựng các công trình sự nghiệp được xã hội hóa như y tế, giáo dục, thể dục thể thao… không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hay nguồn vốn tư nhân. Việc nhà nước thu hồi đất sẽ giúp nhiều người dân có điều kiện tiếp cận được không gian văn hóa, giáo dục, dịch vụ y tế và thể dục thể thao do chi phí rẻ hơn; tạo sự bình đẳng về môi trường kinh doanh giữa doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân.

Quy định cụ thể trình tự, thủ tục các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được xem xét tái định cư trước khi thu hồi đất.

Quy định rõ và phân biệt các trường hợp nhà nước thu hồi đất và các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất bằng quy định về thứ tự ưu tiên thực hiện nếu quỹ đất đáp ứng các điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.

Công trình khu tái định cư xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

*Phóng viên: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể nào về bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế, thưa ông?

*Cục trưởng Đào Trung Chính: Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định đã được thực tế chứng minh là phù hợp của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế; đưa chủ trương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đi vào cuộc sống.

Cụ thể, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm: Đa dạng hình thức bồi thường bằng tiền, bằng đất có cùng mục đích sử dụng, bằng nhà ở và bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất; bổ sung quy định tạo điều kiện cho người có đất ở thu hồi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu và phải đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sửa đổi quy định về thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất sau thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với trường hợp phải bố trí tái định cư thì chỉ được ban hành quyết định thu hồi đất sau khi đã bàn giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người có đất thu hồi; bổ sung quy định UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi phối hợp với đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư điều tra, xác định, thống kê đầy đủ các thiệt hại thực tế về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, thu nhập từ việc sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, nguyện vọng tái định cư, chuyển đổi nghề để đảm bảo quyền lợi, sinh kế cho người có đất bị thu hồi.

Về bồi thường về đất: Quy định điều kiện bồi thường về đất cho từng đối tượng sử dụng đất mà không dẫn chiếu sang điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện; chỉnh sửa quy định về điều kiện được bồi thường về đất để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ....

Về hỗ trợ: Bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; bổ sung khoản hỗ trợ cho chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng sản xuất, kinh doanh do nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ di dời vật nuôi cho người có đất thu hồi. Luật hóa quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất bị thu hồi cho từng dự án cụ thể.

Đáng chú ý về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Chỉnh sửa quy định về thời hạn chi trả bồi thường, hỗ trợ trong vòng 30 ngày kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước. Bổ sung quy định về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để giải quyết trường hợp trên cùng một thửa đất nhưng người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản là hai đối tượng khác nhau.…

Có thể nói, các quy định này thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo điều kiện cho tạo điều cho các địa phương linh hoạt, chủ động giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ phát sinh trong thực tiễn mà tại thời điểm xây dựng Luật đất đai chưa dự báo hết được; tạo điều kiện các địa phương không có đất cùng mục đích với đất thu hồi được bồi thường bằng đất khác sẽ giảm áp lực cho ngân sách nhà nước khi phải ứng vốn chi trả bồi thường bằng tiền; bảo đảm cho người bị thu hồi đất có đất ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm