Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo sự nhất quán kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã có cuộc trao đổi với báo chí về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
TTXVN - Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày 21/6 để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã có cuộc trao đổi với báo chí. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các quan điểm, định hướng gì trong các Nghị quyết của Trung ương và những nội dung nào chưa được thể chế trong dự thảo Luật?
* Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Ngay từ giai đoạn đầu xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhất quán một quan điểm là Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.
Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, quá trình rà soát việc thể chế chủ trương, định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW cho thấy còn có một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể chế trong dự thảo Luật Đất đai mà cần được thể chế hóa trong các Luật có liên quan vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai như: Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế; quy định cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương trong pháp luật về ngân sách nhà nước; quy định xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… trong pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Tại Tờ trình số 276/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng các Luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện. Như vậy, có thể nói những quan điểm, chủ trương của Đảng mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc nghiên cứu thể chế trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
* Phóng viên: Nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể là hai vấn đề thu hồi đất và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất của cử tri và nhân dân. Vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung các quy định mới nào, thưa Thứ trưởng?
* Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 18/NQ-TW: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực”, dự thảo Luật đã có nhiều quy định nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng.
Về thẩm quyền thu hồi đất, dự thảo Luật tiếp tục quy định phân cấp về thẩm quyền thu hồi đất cho địa phương, đẩy mạnh phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất đối với với tổ chức, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82); thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp còn lại không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất.
Việc quy định như dự thảo nhằm đảm bảo thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đất đai trong việc xử lý; đồng thời vẫn đảm bảo chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù không đạt được sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo quy định của Luật Đất đai năn 2013: Đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thực hiện quy định nêu trên, các địa phương có dự án phải xây dựng Khung chính sách trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quy định này dẫn đến các dự án nêu trên phải thực hiện thủ tục để được phê duyệt Khung chính sách trong nhiều trường hợp không cần thiết làm chậm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chậm tiến độ thực hiện dự án.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật quy định: Đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng mà cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 1 Điều 91).
* Phóng viên: Luật Đất đai có rất nhiều quy định ở nhiều đạo luật, bộ luật khác có các quy định liên quan đến Luật Đất đai. Vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hướng xử lý các nội dung này như thế nào để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đất đai, thưa Thứ trưởng?
* Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát các luật, bộ luật có nội dung liên quan đến đất đai. Ngày 26/9/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 117/BC-BTNMT báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo đó đã rà soát 88 luật, bộ luật có chứa quy phạm pháp luật về đất đai, trong đó đã chỉ ra 22 luật, bộ luật có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai.
Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là những Bộ có các luật có nhiều nội dung còn có vướng mắc, chưa thống nhất với các quy định của Luật Đất đai để thống nhất nội dung nào thì sửa đổi trong Luật Đất đai, nội dung nào thì sửa đổi tại các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, đối với hai dự thảo Luật (Dự thảo Luật Nhà ở, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản) và các Luật có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đang trình Quốc hội, kiến nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai khi ban hành, như các nội dung về người sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam; điều kiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án…
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đất đai, Bộ đề xuất hướng xử lý: tại khoản 3 Điều 258 dự thảo Luật Đất đai bãi bỏ Nghị quyết số 32/2020/QH14; khoản 4 Điều 258 dự thảo Luật Đất đai đã bãi bỏ các quy định về quản lý đất đai tại các Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của dự thảo Luật Đất đai./.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!