Vùng đất Đông Triều có tên cổ là An Sinh, được chính sử coi là quê gốc của nhà Trần - một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Đông Triều, mảnh đất cổ kính nằm ẩn mình giữa núi non trùng điệp của tỉnh Quảng Ninh, từ lâu đã là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách. Nơi đây không chỉ là cái nôi của vương triều nhà Trần hào hùng mà còn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng với những ngôi chùa cổ kính, di tích lịch sử trầm mặc. Vào mỗi dịp Xuân về, Đông Triều lại khoác lên mình tấm áo mới, rực rỡ sắc màu, thu hút hàng vạn người dân thập phương về đây hành hương, lễ Phật.
Vùng đất Đông Triều có tên cổ là An Sinh, được chính sử coi là quê gốc của nhà Trần - một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau khi Thái Tông Trần Cảnh lên ngôi, năm 1237, vua lấy vùng đất An Sinh và lân cận cấp cho anh trai Trần Liễu. Theo tư liệu lịch sử, vùng đất này là nơi họ Trần sinh sống và phát triển trước khi dời đô. Vì vậy, Đông Triều luôn được xem là quê hương tâm linh của dòng họ Trần, nơi lưu giữ những dấu ấn sâu đậm về một triều đại đã làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Năm 2013, cụm các di tích này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều với 25 di tích. Trong đó, 14 di tích được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: 7 lăng mộ các vị vua nhà Trần, 2 đền, miếu thờ các bậc tiên đế cùng 5 công trình kiến trúc tôn giáo phục vụ cho việc tu hành, giảng kinh Phật. Điểm đến đầu tiên trên hành trình này là Đền An Sinh, nơi thờ tự và tế lễ của các vua Trần và là trung tâm tín ngưỡng quan trọng dưới thời Trần, Lê, Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Tiếp theo là Thái Miếu - nơi đóng vai trò trung tâm của quần thể di tích, được các vua nhà Trần xây dựng để thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và giữ gìn truyền thống "Uống nước nhớ nguồn." Thái Miếu nằm trong quần thể di tích được bố trí hài hòa, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự gắn kết giữa trời, đất và con người, làm nên một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá văn hóa lịch sử Đông Triều.
Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng ban Quản lý khu di tích nhà Trần, Đông Triều cho biết, Thái Miếu nhà Trần là một trong những bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định Đông Triều là quê hương của nhà Trần, góp phần làm sáng tỏ những trang sử hào hùng của dân tộc. Điểm khác biệt cơ bản giữa Đông Triều so với nơi phát tích của nhà Trần ở Nam Định hay Thái Bình là nơi đây có Thái miếu nhà Trần - nơi thờ tổ tiên các vị vua Trần. Đây cũng là di tích trung tâm thờ tổ tiên và 14 vị vua Trần. Xung quanh Thái Miếu nhà Trần được bố trí các đền, chùa và lăng mộ vua Trần tại Đông Triều.
Thái miếu được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIII, tức là sau năm 1237. Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự, Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, những năm cuối của thể kỷ XIII, quần thể kiến trúc văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều được định hình rõ nét về mặt quy mô khi vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ 3 của Nhà Trần (tên húy là Trần Khâm) đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với giáo lý gắn đạo với đời. Đây là di sản tinh thần lớn nhất mà Phật hoàng để lại và được truyền bá đến nhiều người tại Ngọa Vân (quần thể Phật giáo lớn gồm nhiều cụm/điểm công trình được xây dựng bao quanh đỉnh núi Ngọa Vân với cụm Am - Tháp, chùa Chính, cụm Thông Đàn - Đô Kiệu và tháp Phật Hoàng - nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông).
Vãn cảnh chùa Quỳnh Lâm - một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần, anh Nguyễn Quang (45 tuổi, đến từ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ, những năm gần đây, anh thường đi vãn cảnh, chiêm bái Phật tại Khu di tích để cầu bình an. Lần này, anh cùng người thân đến Đông Triều, cùng với các điểm đến khác, gia đình anh đến thăm chùa Quỳnh Lâm. Khi đến đây, nghe tiếng chuông chùa ngân vang hòa quyện với tiếng chim hót tạo nên bản nhạc du dương, anh cảm thấy thật bình yên và thư thái.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có, Khu di tích nhà Trần trở thành nơi thu hút du khách, phát triển du lịch tâm linh của thành phố Đông Triều. Trong năm 20224, nơi đây ước đón trên 376.700 lượt khách; tăng trên 20.800 lượt so với cùng kỳ năm 2023.
Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, từ 2020 đến nay, Đông Triều đã thực hiện xã hội hóa và thu hút đầu tư trên 300 tỷ đồng để trùng tu các di tích, đặc biệt là các di tích Nhà Trần. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, rà soát, khôi phục lại và phát huy các giá trị vật chất cũng như tinh thần của di tích. Quan trọng hơn, địa phương tăng cường gắn kết các vùng lân cận, cụ thể là các di tích đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và kết nối các tour, tuyến để Đông Triều là một phần không thể tách rời trong chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch của Quảng Ninh cũng như tỉnh, thành phố lân cận; nâng cao đời sống và tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương. Đây là một trong những lợi thế để Đông Triều đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh.
Những ngày giao thoa giữa năm Giáp Thìn và Ất Tỵ, dòng người về chiêm bái Phật, vãn cảnh dường như đông đúc hơn. Mọi người đều khấp khởi, vui mừng tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những ước vọng tràn đầy hân hoan./.
- Từ khóa:
- Du Xuân
- đất cổ
- Đông Triều