Xã hội

Tết của những người gác rừng

Thái Nguyên

Trong khi mọi người sum họp đầm ấm bên gia đình, những chiến sĩ gác rừng tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng gác lại việc riêng, ba lô trên lưng "du Xuân, đón Tết" dưới tán rừng xanh.

Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên bố trí 50% lực lượng trực 24/24h tại các trạm, chốt bảo vệ rừng trong dịp Tết. 
Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Những ngày Tết đến, khi người người đoàn tụ cùng gia đình vui xuân, thì những người “gác rừng” tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng vẫn leo núi, bám rừng, bảo vệ khu rừng tự nhiên lớn nhất còn lại của tỉnh, nơi được xem như “lá phổi xanh tự nhiên” của tỉnh Thái Nguyên.

Cận Tết Nguyên đán, vượt chặng đường hơn 50km từ thành phố Thái Nguyên đến với huyện vùng cao Võ Nhai, chúng tôi ghé thăm, chúc Tết Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên (xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai) - đơn vị đang trực tiếp quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Đây là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên và cả nước với tổng diện tích 18.704,89 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, có hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng và hệ sinh thái rừng núi đá đặc trưng, như hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi, thác Bảy tầng, động Người xưa… có giá trị bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan tự nhiên.

Lực lượng cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ họp bàn phương án tuần tra bảo vệ rừng dịp Tết. 
Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Đã nghỉ Tết, nhưng bên trong tòa nhà Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn sáng đèn, các cán bộ đang thảo luận phương án tuần tra giữ rừng. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tuyên, Quyền Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, mặc dù nghỉ Tết nhưng vì nhiệm vụ, Ban bố trí 50% lực lượng trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt bảo vệ rừng để ngăn chặn các đối tượng xấu xâm phạm đến rừng, phòng, chống cháy rừng.

Chỉ tay về phía đại ngàn xanh thẳm, anh Tuyên cho chúng tôi biết tài nguyên quý giá trong tán rừng Thần Sa - Phượng Hoàng. Về thực vật rừng, hiện Khu dự trữ thiên nhiên có 6 kiểu thảm thực vật, 1.234 loài thực vật thuộc 660 chi, 171 họ, 5 ngành và 2 lớp thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 87 loài thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm; 37 loài có trong sách đỏ Việt Nam; 8 loài có trong sách đỏ Thế giới (IUCN Redlist 2019), và 55 loài nằm trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Về động vật có 346 loài, gồm 81 loại thú, 175 loài chim, 61 loài bò sát, 29 loài lưỡng cư, thuộc 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn. Đặc biệt, Khu dự trữ thiên nhiên còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử; di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm là cái nôi của người Việt cổ.

Nhằm bảo vệ Khu dự trữ thiên nhiên quý giá này, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên bố trí 3 trạm bảo vệ rừng với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ sự đa dạng sinh học và các giá trị tài nguyên rừng, phục hồi, tôn tạo phát triển cả diện tích và chất lượng rừng; bảo vệ các quần thể cũng như động, thực vật quý, hiếm, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Từ lời giới thiệu, chúng tôi đi thêm hơn 20km nữa để tới Trạm bảo vệ rừng số 1, đặt tại xã Nghinh Tường. Gắn bó với nghề đã gần 30 năm, Xuân Ất Tỵ này là năm thứ 15 anh Hà Mậu Hiệp, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 ăn Tết tại cơ sở để gác rừng.

Trạm có hai cơ sở và 3 chốt bảo vệ rừng với 9 cán bộ hiện quản lý hơn 9.000 ha rừng trên địa bàn 4 xã và một thị trấn. Các trạm cơ sở được đặt tại vị trí thuận lợi hơn, án ngữ ngay cửa rừng, các tuyến đường chính; còn các chốt đặt sâu trong rừng, chốt gần nhất cũng 13km, mỗi chốt thường xuyên có ít nhất 2 cán bộ làm nhiệm vụ,… Lực lượng ít mà địa bàn rộng do vậy tuần tra, bảo vệ rừng rất vất vả, nhưng vì trách nhiệm, vì tình yêu với núi rừng, ai cũng vui vẻ nhận trực Tết.

Điển hình như anh Vũ Tuấn Anh (sinh năm 1997, quê ở huyện Định Hóa) có ba năm liên tiếp ăn Tết tại Trạm bảo vệ rừng số 1. Tuấn Anh chia sẻ: "Em trẻ, khỏe, chưa vợ, nên xung phong trực Tết, hỗ trợ các anh chị có quê ở xa hơn, hoặc gia đình con nhỏ, cha mẹ già để anh chị đồng nghiệp yên tâm vui Tết bên gia đình".

Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên bố trí 50% lực lượng trực 24/24h tại các trạm, chốt bảo vệ rừng trong dịp Tết. 
Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Anh Hà Mậu Hiệp cho biết, hằng ngày các anh vẫn tuần rừng đều đặn với cơm canh gói ghém mang theo, xuất phát từ 8 giờ sáng và quay về khi mặt trời đã xuống núi. Ngày Tết, trong khi mọi người sum vầy bên gia đình, các anh ăn Tết tại cơ sở, chúc Tết, vui Xuân cùng nhân dân, kết hợp tuyên truyền về bảo vệ rừng,… để họ góp sức giữ rừng.

Theo anh Hiệp, nhờ công tác dân vận, kết hợp tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nên nhiều năm trở lại đây số lượng tài nguyên rừng bị xâm hại đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, anh Hiệp lo lắng, năm vừa rồi bão số 3 càn quét qua khiến khu rừng bị tổn hại nghiêm trọng, nhiều cây lớn gẫy đổ. Đặc biệt, từ đó đến nay trên địa bàn chưa xuất hiện cơn mưa nào, trời hanh khô nên cây cối héo rũ, cây bụi, cây nhỏ chết khô ngày càng nhiều,… nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ cao nhất, cấp 5.

Quyền Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuyên cho biết, công tác chăm lo Tết cho lực lượng làm nhiệm vụ đã ổn, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cũng đã sẵn, lịch tuần tra bảo vệ rừng được mọi người nhất trí cao. Anh Tuyên vui mừng chia sẻ, bà con sống trong vùng lõi, vùng đệm của rừng đã và đang chung tay cùng Ban bảo vệ tài nguyên rừng. Có được những kết quả đó là nhờ những năm qua, nhiều chương trình, dự án liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học đã được đầu tư thực hiện như: Các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; các dự án đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm cũng được quan tâm đầu tư nhằm giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng. Riêng năm 2024, đơn vị đã hỗ trợ 800 triệu đồng cho 20 thôn, bản để xây dựng các công trình công cộng như nước sạch, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, đèn năng lượng mặt trời,…

Lực lượng cán bộ tuần tra để ngăn chặn các đối tượng xấu xâm phạm đến rừng, phòng chống cháy rừng. 
Ảnh: Trần Trang - TTXVN

Xuân đã về. Trong khi mọi người sum họp đầm ấm bên gia đình, những chiến sĩ gác rừng tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng gác lại việc riêng, ba lô trên lưng "du Xuân, đón Tết" dưới tán rừng xanh, ngắm những nhánh lan rừng nở rộ với niềm vui, hạnh phúc là bảo vệ khu rừng tự nhiên quý giá của núi rừng Việt Bắc./.

 

Trần Quân Trang

Xem thêm