Chọn ngành nghề xuất phát từ sở thích bản thân chỉ chiếm 5% tổng số học sinh.
TTXVN- Ngày 26/3, tại Trường trung học phổ thông Tây Ninh, Trường Đại học Gia Định phối hợp với các Trường THPT Tây Ninh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Lê Quý Đôn và Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình gặp gỡ chuyên gia hướng nghiệp, nhằm mang đến những thông tin hữu ích về ngành nghề; quy chế và thông tin tuyển sinh đại học năm 2023 cho gần 2.500 học sinh.
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nhiều trang mạng xã hội hướng các em học sinh không cần học đại học vẫn có việc làm và lập nghiệp thành công là nguồn thông tin chưa đầy đủ, khá chủ quan, chỉ phù hợp với một số nghề.
Việc không học đại học sẽ gây rất nhiều khó khăn trên con đường lập nghiệp để tiến đến thành công, vì mỗi ngành nghề cần phải có tố chất, đòi hỏi về khả năng chuyên môn khác nhau.
Đối với một số ngành nghề đặc thù như: Luật sư, bác sĩ, giáo viên… thì bắt buộc phải tốt nghiệp đại học, vì đó là yêu cầu của công việc. Tuy nhiên, vẫn có những ngành nghề không nhất thiết phải học đại học nhưng buộc phải học nghề.
Theo bà Lê Thị Minh Thùy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (thành phố Tây Ninh), hiện nay học sinh các trường THPT tại Tây Ninh có 5 xu hướng chọn ngành nghề, phổ biến nhất là chọn ngành nghề xuất phát từ nhu cầu lao động của xã hội (đa số dựa vào các phương tiện truyền thông về ngành nghề đang cần nhiều nhân lực, có cơ hội phát triển trong tương lai, dễ tìm việc, có thu nhập cao, ổn định… như: Công nghệ thông tin, Logistics, Thương mại điện tử, Công nghệ đổi mới sáng tạo). Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa xu hướng này chiếm 25%/ tổng số học sinh lớp 12.
Chọn ngành nghề xuất phát từ sự ủng hộ của gia đình (gia đình có truyền thống làm Công an, Quân đội, Sư phạm, ngành Y… thì cha mẹ thường định hướng cho con mình theo ngành nghề của cha, mẹ, người thân hoặc học chuyên về ngôn ngữ), chiếm 50%.
Chọn ngành nghề xuất phát từ sở thích bản thân chỉ chiếm 5%; Chọn nghề ngẫu nhiên không có chứng kiến riêng (theo bạn bè hoặc hoàn cảnh gia đình) chiếm 10%. Số học sinh còn lại là không tiếp tục học tập, định hướng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Từ những số liệu kể trên cho thấy, học sinh hiện nay thiếu định hướng nghề trong xã hội, học sinh chủ yếu chọn ngành nghề còn mang tính chủ quan của bản thân và gia đình; dựa vào bảng ngành nghề theo khối thi, nên chưa có đủ cơ sở thông tin nghề nghiệp để các em có những quyết định đúng đắn trong vấn đề chọn nghề nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa Lê Thị Minh Thùy nhấn mạnh.
Em Trương Mai Phương, học sinh 12A9, Trường THPT Tây Ninh cho biết, sau khi tìm hiểu các thông tin nghề nghiệp và niềm đam mê môn tiếng anh của bản thân, em đã chọn ngành Ngôn ngữ Anh của Trường đại học Gia Định để học.
Trước đó em Phương cũng được người thân tư vấn chọn các trường đại học khác, nhưng bản thân em Phương nhận thấy khả năng học tập và hoàn cảnh gia đình sẽ phù hợp học tại Trường đại học Gia Định theo chương trình rút ngắn thời gian (thời gian học đại học chỉ hơn 3 năm).
Thạc sĩ, Luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định cho biết, công tác hướng nghiệp hiện nay rất quan trọng, nhằm giúp các em học sinh định hướng đúng ngành nghề cho bản thân cần theo học. Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bản thân ông ghi nhận có rất nhiều bạn học sinh sau khi học đại học xong mới nhận ra bản thân mình đã chọn sai ngành nghề.
Việc chọn nghề không đúng với sở trường cá nhân, sẽ làm việc kém hiệu quả, buộc các bạn trẻ phải chọn cách học thêm ngành nghề phù hợp để bổ sung, gây mất nhiều thời gian và công sức./.