Tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế được thể hiện tinh tế, ấn tượng qua các hoạt động đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong 10 tháng trên cương vị Người đứng đầu Nhà nước.
TTXVN - Mùa Xuân, mùa chim xây tổ ấm, mùa của hội ngộ, đoàn viên, của tinh thần đoàn kết, hợp tác và phát triển. Chưa bao giờ, từ khóa "Đoàn kết" lại xuất hiện liên tục, nhiều lần trong các bài phát biểu của lãnh đạo các nước trên nhiều diễn đàn quốc tế, trong các văn kiện hợp tác, "Tuyên bố chung", như trong năm 2023, khi mà tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Đoàn kết để khắc phục, giải quyết và ngăn ngừa xung đột; ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn kết để thúc đẩy phát triển; vững bước trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế được thể hiện tinh tế, ấn tượng và chân tình qua các hoạt động đối nội và đối ngoại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong 10 tháng trên cương vị Người đứng đầu Nhà nước.
* Sợi chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đã ghi rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lý luận của Đảng với tầm nhìn sâu rộng về đại đoàn kết dân tộc đã viết trong tác phẩm “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước ta giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.
Thấm nhuần đường lối, quan điểm đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng nhiều lần nhấn mạnh: Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.
* Đoàn kết để vượt qua khác biệt
Mang theo khát vọng, hoài bão của dân tộc với sứ mệnh cao cả, trách nhiệm lớn lao, phát biểu tại các diễn đàn quốc tế, câu chuyện và bài học về đoàn kết, hợp tác quốc tế luôn được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn giải với những luận điểm khoa học, dẫn chứng cụ thể qua những biến động đầy tính thời sự của tình hình khu vực và thế giới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khái quát: “Đoàn kết thì phát triển, đoàn kết thì tiến lên; chia rẽ sẽ không phát triển mà còn kéo lùi các thành tựu của khu vực và thế giới”. Thực tế chứng minh, trên thế giới, quốc gia nào đoàn kết thì yên ổn và phát triển, ngược lại, quốc gia nào chia rẽ thì dẫn tới bất ổn định và chậm phát triển. Khu vực nào đoàn kết thì hòa bình, ổn định, cùng nhau hợp tác, phát triển, còn ở nơi đâu mất đoàn kết thì “súng vẫn nổ, máu người vẫn đổ” và ấm no, hạnh phúc của người dân chỉ là “mong ước xa xôi”.
Kêu gọi đoàn kết để “vượt qua sự khác biệt”, trong bài phát biểu tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi đến Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC một thông điệp với tư duy bao trùm, hài hòa và nhân văn, cùng dựng xây một thế giới an bình, thịnh vượng: “Tôi mong rằng tất cả thành viên APEC đề cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm, đề cao chủ nghĩa đa phương, gác lại khác biệt để cùng giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng cùng các thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi người dân”.
Coi trọng những giá trị nhân văn cao cả của đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những lần gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, bạn bè quốc tế, Chủ tịch nước chia sẻ về chặng đường lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc đầy “nước mắt và đau thương” nhưng rất đỗi trung dũng, kiên cường và giàu lòng hòa hiếu của người dân Việt Nam: “Đất nước tôi đã phải trải qua những năm tháng dài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi đất nước có ngoại xâm, cả dân tộc triệu người như một, đoàn kết, kiên cường chiến đấu, quét sạch kẻ thù ra khỏi bờ cõi, gìn giữ vẹn toàn non sông, giành lấy quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Sức mạnh để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi gian khó chính là tinh thần đại nghĩa, chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và hòa hiếu, hữu nghị, tôn trọng dân tộc khác”.
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, xuất phát từ truyền thống và triết lý của dân tộc, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh: Trên con đường đi tới, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại trên tinh thần đoàn kết quốc tế: “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
* “Nắng ấm quê hương”
Với 6 chuyến công du đến 8 quốc gia trong năm qua, hoạt động đầu tiên khi đặt chân đến nước bạn thường được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ưu tiên cho các cuộc gặp gỡ bà con Việt kiều, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài; khẳng định tầm quan trọng của “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam” với mong muốn huy động sức mạnh tổng hợp để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển đất nước. Bình dị, chân thành và thân ái, các cuộc gặp của Chủ tịch nước để lại trong lòng kiều bào những xúc cảm sâu lắng, mang đến cho người Việt xa xứ những “tia nắng ấm quê hương” và lòng tự hào khôn xiết về Tổ quốc, đồng bào.
Cảm động sau cuộc hội ngộ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với cộng đồng người Việt tại Áo tháng 7/2023, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Không chỉ đem đến sự ấm áp của tình quê hương, Chủ tịch nước đã chuyển tải thông điệp quan trọng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến kiều bào, khơi dậy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc, không ngừng lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cầm trên tay tấm cuốn thư in bài thơ họa theo lối thư pháp truyền thống, thường thấy ở “phố ông đồ” mỗi độ Tết đến, Xuân về, Ni sư Thích Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân Honjo – Saitama xúc động cho biết: Đây là món quà đặc biệt chào mừng Chủ tịch nước đến thăm Nhật Bản.
Vinh dự và hạnh phúc được tham dự cuộc gỡ đặc biệt của Chủ tịch nước với các trí thức Việt kiều tại Nhật Bản (cuối tháng 11/2023), dưới góc nhìn của một Tiến sỹ Triết học Phật giáo, Giáo sư trà đạo Nhật Bản, Ni sư Thích Tâm Trí lý giải: Phần trao đổi của Chủ tịch nước tương ứng với 3 khái niệm trong triết lý Phật giáo: “Hiếu, nghĩa và ân”. “Hiếu” là mong muốn người Việt Nam thành công ở sở tại luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội, với tinh thần: “Sở tại là nhà, Việt Nam là quê hương”. “Nghĩa” và “ân” có điểm giao thoa là đoàn kết, sẻ chia, “máu chảy ruột mềm”, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam, không phân biệt ở trong nước hay ở nước ngoài, chung mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bài thơ họa trên giấy điều, nét thư pháp bay bổng, từ ngữ được sắp xếp khéo léo, Ni sư Thích Tâm Trí thả bút với 12 câu thơ mà từ đầu tiên của mỗi câu kết thành dòng chữ: “Chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang Nhật Bản an khang”.
* Lan tỏa lòng nhân ái
Để có đại đoàn kết toàn dân tộc thì từng cộng đồng, bản làng, thôn xóm, dân tộc, tôn giáo phải đoàn kết trong nội bộ, đoàn kết cùng nhau, đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó là tinh thần đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gợi mở như vậy về "đoàn kết" tại các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, làm việc với các nhân sỹ, trí thức trong nước và nước ngoài; đồng bào các tôn giáo, dân tộc.
Năm đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, động viên quân và dân, dự Lễ Chào cờ trước Cột cờ Tổ quốc thiêng liêng tại các đảo tiền tiêu: Phú Quý (Bình Thuận) và Cô Tô (Quảng Ninh); dâng hương, tưởng niệm và dự Lễ giỗ các Anh hùng liệt sỹ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo.
Năm 2023, Lãnh đạo Nhà nước đã gặp gỡ, động viên 30 đoàn đại biểu là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các tấm gương công nhân, lao động, đảng viên, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tiêu biểu; người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ; các vận động viên, huấn luyện viên thể thao có thành tích xuất sắc. Chủ tịch nước đã trân trọng gửi 8.735 thiếp mừng thọ các cụ 100 tuổi và hơn 100 tuổi trên cả nước, phát huy truyền thống quý báu “kính lão, trọng già” của dân tộc.
Sự hiện diện của Chủ tịch nước đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ở mỗi sự kiện, mỗi nơi đến thăm. Những lời thăm hỏi, động viên của Chủ tịch nước có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, tình cảm yêu thương, chia sẻ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc.
“Chúng ta hãy gắn kết với nhau bằng tình yêu thương và lòng nhân ái, cùng nhau xây dựng một cộng đồng đoàn kết, một xã hội tiến bộ, văn minh, chan chứa tình người”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát biểu như vậy trong Lễ phát động Tháng Nhân đạo quốc gia (4/2023), lan tỏa thông điệp đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” vô cùng đáng quý của dân tộc Việt Nam. Người đứng đầu Nhà nước kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng, nhà hảo tâm giúp đỡ đồng bào nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Không phân biệt màu da, quốc tịch, chung “tình yêu thương dành cho nhân loại”, Chủ tịch nước nêu rõ: “Những hoạt động nhân đạo xuất phát từ trái tim chan chứa tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc và tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế sẽ đem lại giá trị tích cực, lan tỏa lòng nhân ái, huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực nhằm giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong xã hội”.
Tháng 11/2023, trong trang phục dân tộc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chung vui trong tiếng cồng chiêng hòa với tiếng hát vút cao của bà con tỉnh Phú Yên tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói chuyện với bà con vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”, Chủ tịch nước khẳng định, nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành sự nghiệp Đổi mới, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển, mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Bởi vậy, con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Đó cũng là “dòng tư duy nhất quán” của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tình đoàn kết và hợp tác quốc tế. Tư tưởng biện chứng mang tầm thời đại ấy được thể hiện phong phú, lan tỏa sâu sắc qua mỗi chuyến công tác, gặp gỡ và làm việc của Chủ tịch nước dù ở nước ngoài, hay trong nước, nỗ lực vì một mục tiêu tối thượng: Phát triển là phải mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân./.
- Từ khóa:
- Gắn kết
- tình yêu thương
- lòng nhân ái