UBND tỉnh Quảng Ninh ra Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy trước sự gia tăng số vụ cháy rừng trên diện rộng.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 13/4/2025 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh trước sự gia tăng số vụ cháy rừng trên diện rộng.
Dù có chỉ đạo sớm song thời gian qua, tình hình cháy rừng, hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng (đặc biệt đối với diện tích 171.000 ha rừng bị ảnh hưởng sau bão số 3) diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên, môi trường rừng và đời sống nhân dân. Cụ thể như vụ cháy rừng ở phường Đại Yên (thành phố Hạ Long) và thị trấn Bình Liêu đêm 12/4.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra ở Hạ Long, Bình Liêu; xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và phục hồi diện tích rừng bị cháy.
Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý mà không phát hiện, xử lý kịp thời; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực rừng bị ảnh hưởng do thiên tai nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc dọn dẹp rừng bị thiệt hại để đốt, phá, hủy hoại rừng trái pháp luật nhằm mục đích tư lợi cá nhân…
Các địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt trong bối cảnh đang sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng dẫn đến cháy rừng, mất rừng. Các địa phương yêu cầu chủ rừng thực hiện nghiêm quy định về đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì theo quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi thông tin cấp dự báo cháy rừng trên trang điện tử của Chi cục Kiểm lâm.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời triển khai biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ", hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi cháy rừng xảy ra, các địa phương phải điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân nhằm phòng cháy rừng; có giải pháp xử lý triệt để cây gãy đổ sau bão; phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương thực hiện hoàn thành mục tiêu trồng mới 32.000 ha rừng trong năm 2025 nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2025 - 2030.
Lực lượng vũ trang tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý cây gãy đổ sau bão còn lại, chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn chủ động báo cáo đề nghị thanh lý rừng trồng bị thiệt hại sau bão; lập phương án thanh lý rừng trồng, đề nghị thanh lý rừng trồng kịp thời; lập phương án trồng lại rừng (thống kê diện tích và đề xuất nguồn vốn trồng rừng thay thế đối với rừng quy hoạch, rừng phòng hộ, đặc dụng); quản lý đất rừng trồng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty lâm nghiệp không được tự ý khai thác tận thu, tận dụng cây rừng tự nhiên và rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước (kể cả rừng, cây rừng bị thiệt hại do thiên tai); chỉ được khai thác, xử lý theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.