Thời sự

Công bố chỉ số PAPI 2024: Người dân quan tâm đến phòng, chống tham nhũng và lạc quan về tình hình kinh tế đất nước

Trong năm 2024, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân.

Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024.
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Sáng 15/4, Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (gọi tắt là Chỉ số PAPI 2024) đã được tổ chức tại Hà Nội. Kết quả khảo sát do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố cho thấy chính quyền các cấp của Việt Nam trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến tích cực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân.

Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu

Theo bảng xếp hạng PAPI 2024, tỉnh Quảng Ninh được xếp ở nhóm các tỉnh đạt điểm số cao nhất và đứng vị trí dẫn đầu toàn quốc với điểm tổng hợp đạt 47,82 điểm. Xếp thứ 2 và thứ 3 là Tây Ninh và Bình Thuận. Nhóm cuối có các tỉnh Cần Thơ, Kon Tum, Kiên Giang...

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và UNDP tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở. Bên cạnh đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các đối tác nghiên cứu khác tham gia nghiên cứu chuyên sâu và dùng dữ liệu của PAPI để tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, địa phương.

Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 cung cấp kết quả phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam trên 8 chỉ số chính: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy, người dân đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền ở 7/8 chỉ số nội dung PAPI đo lường năm 2024, cao hơn so với năm 2023.

Trong 8 chỉ số nội dung có 4 chỉ số ghi nhận những bước tiến đáng kể: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” (Chỉ số nội dung 2), “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (Chỉ số nội dung 4), “Quản trị môi trường” (Chỉ số nội dung 7) và “Quản trị điện tử” (Chỉ số nội dung 8). Ba chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (Chỉ số nội dung 1), “Trách nhiệm giải trình với người dân” (Chỉ số nội dung 3) và “Cung ứng dịch vụ công” (Chỉ số nội dung 6) cho thấy một số tiến bộ. Chỉ số nội dung 5 “Thủ tục hành chính công” không cho thấy sự cải thiện rõ nét.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Dương Trung Ý phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Ảnh: Trung Kiên

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới một chính quyền quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Ông Dương Trung Ý khẳng định chỉ số PAPI đã đóng vai trò quan trọng, là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc đo lường hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công ở cấp địa phương, đồng thời cung cấp dẫn chứng cho công tác hoạch định và giám sát thực thi chính sách của các cấp chính quyền ở Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cuộc cải cách hành chính chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền, ông Dương Trung Ý đề nghị UNDP tại Việt Nam nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới.

Hướng tới việc quản trị hiệu quả, linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân

Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nhấn mạnh những kết quả tích cực về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tại Việt Nam trên hầu hết các khía cạnh mà báo cáo PAPI 2024 tiến hành khảo sát.

Bà Ramla Khalidi cho rằng những cải cách hành chính và thể chế sâu rộng mà chính quyền Việt Nam đang triển khai hứa hẹn sẽ đem đến “một kỷ nguyên quản trị hiệu quả, linh hoạt hơn và đáp ứng ngày càng nhanh sự thay đổi nhu cầu của người dân”.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới khu vực liên tục có nhiều biến động tác động đa chiều đến nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây, bà Ramla Khalidi cũng hy vọng những kết quả của PAPI 2024 có thể giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam xác định được các nhóm người có nguy cơ dễ bị tổn thương từ các “cú sốc kinh tế” và đề ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Theo báo cáo PAPI 2024, trong năm qua, người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công. Có ba trong số tám lĩnh vực quản trị và hành chính công được PAPI đo lường, gồm kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, đạt được điểm số “khá” từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Vấn đề tham nhũng tiếp tục được người dân quan tâm trong năm 2024, trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Báo cáo, người dân tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này với tỷ lệ 22,58%  (năm 2023 là 17%) số người trả lời khảo sát cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tiếp tục ưu tiên giải quyết trong thời gian tới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Paul Schuler (Khoa Chính trị học, Đại học Arizona, Mỹ) nhận định tại lễ công bố, việc tỷ lệ người dân Việt Nam quan tâm đến vấn đề tham nhũng tăng trong năm 2024 chủ yếu là do công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt, với việc đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với cảm nhận của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình. Khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy, gần 40% người trả lời cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã chịu tác động trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua...

Báo cáo PAPI 2024 cũng cho thấy người dân bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế hộ gia đình và kinh tế quốc gia. Tỷ lệ người dân đánh giá tình trạng kinh tế hộ gia đình ở mức “kém” hoặc “rất kém” đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19; trong khi tỷ lệ người dân đánh giá tình hình kinh tế của Việt Nam ở mức “tốt” đang tăng lên./.

Tổng quan PAPI 2024
Nguồn: UNDP Việt Nam
Trần Trung Kiên

Tin liên quan

Xem thêm