Các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa hầu hết đều không đúng với quy định, không đúng với thông tư, hướng dẫn của Bộ, của Sở.
TTXVN - Vấn đề dạy thêm, học thêm trái quy định được nêu ra ở nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Thái Bình. Cuối năm 2022, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thái Bình, các đại biểu đã chất vấn vấn đề này. Sau đó, tình trạng này được các ngành chức tích cực chấn chỉnh nên được nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, thời điểm này, dạy thêm, học thêm dường như biến tướng, trở nên tinh vi hơn.
*Nổi cộm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Đầu tháng 12 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh, vấn đề này tiếp tục được đại biểu Đào Đức Hưng (Tổ Đại biểu Vũ Thư) chất vấn. Đại biểu cho rằng, sau Kỳ họp thứ 5, việc dạy thêm, học thêm ở Thái Bình được chấn chỉnh, có sự chuyển biến, nhất là dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có những biến tướng như, thay đổi địa điểm dạy thêm tránh kiểm tra và dạy văn hóa ở Trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống. Do đó cần có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, hiện nay, trong tỉnh có 90 Trung tâm ngoại ngữ, 14 Trung tâm kỹ năng sống, hoạt động chủ yếu trên địa bàn thành phố, thị trấn. Bước đầu, các trung tâm đáp ứng sự hài lòng của người dân, góp phần đáng kể vào chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.
Khi công tác dạy thêm, học thêm được chấn chỉnh, nhất là dạy thêm, học thêm trong nhà trường được quy định về thời lượng, thời gian cụ thể, nghiêm cấm dạy thêm, học thêm ở cấp Tiểu học, xuất hiện hiện tượng giáo viên bố trí các em thành nhóm nhỏ, học theo hình thức dạy kèm, gia sư tại nhà hoặc mượn địa điểm tại các trung tâm bố trí cho học sinh học thêm.
Trước hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn kiểm tra, rà soát trung tâm, chấn chỉnh việc phối hợp liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục. Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát trung tâm có sử dụng lao động người nước ngoài. Các địa phương kiểm tra đột xuất, phát hiện sai phạm và kịp thời chấn chỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ sở giáo dục trong việc dạy thêm, học thêm, tập trung ở cấp Tiểu học...
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh Thái Bình) Nguyễn Ngọc Dư cho biết, tháng 10/2023, Ban tổ chức giám sát việc thực hiện 17/2020/NQ-HĐND năm 2020 của HĐND tỉnh về Quy định khoản thu dịch vụ và công tác dạy thêm, quản lý dạy thêm, học thêm tại các cơ sở giáo dục. Ban đã làm việc với UBND thành phố, UBND các huyện Tiền Hải, Hưng Hà; trực tiếp giám sát, khảo sát tại 14 cơ sở giáo dục, từ Mầm non tới Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát, công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong các nhà trường được thực hiện cơ bản đúng quy định. Tuy nhiên, hầu hết các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, trường liên cấp tổ chức dạy học thêm buổi chiều sắp xếp như lớp chính khóa, không phân loại học lực học sinh.
Bên cạnh đó, nổi cộm vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Nếu như trước Kỳ họp thứ 5, việc tổ chức dạy thêm, học thêm diễn ra tại nhà giáo viên, hiện nay, một số giáo viên chuyển hoạt động dạy thêm vào các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều doanh nghiệp thành lập mới có ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Theo thống kê của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh), trong 2 năm (năm 2022 - 2023), trên địa bàn tỉnh có 146 doanh nghiệp thành lập mới có một ngành nghề kinh doanh có thể tổ chức dạy thêm, học thêm.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho biết thêm, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm, giáo viên chỉ được phép đưa học sinh mình dạy ở lớp chính khóa ra ngoài nhà trường dạy học khi được sự cho phép của hiệu trưởng nhà trường. Hướng dẫn của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh quy định, khi hiệu trưởng trường quyết định cho giáo viên trường mình ra ngoài trường dạy thêm học sinh chính khóa phải báo cáo cấp trên.
Qua giám sát, hầu hết các hiệu trưởng cho biết không ký văn bản cho phép giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm với học sinh chính khóa ngoài trường. Do đó, các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa hầu hết đều không đúng với quy định, không đúng với thông tư, hướng dẫn của Bộ, của Sở.
Các địa phương nêu khó khăn trong thanh, kiểm tra, bởi những doanh nghiệp, công ty này thành lập theo hình thức Luật Doanh nghiệp. Các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập và có quyền quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình Đinh Gia Dũng cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, thành phố chỉ đạo quyết liệt vấn đề này và xác định việc học thêm, dạy thêm là nhu cầu, tuy nhiên phải đúng quy định. Tình trạng dạy thêm, học thêm giảm tải nhiều, đặc biệt ở cấp Tiểu học. Tuy nhiên, việc dạy thêm ngoài nhà trường có sự "chuyển trạng thái" sang doanh nghiệp... Thời gian qua, việc gắn quản lý nhà nước trong dạy thêm, học thêm ở lĩnh vực doanh nghiệp làm chưa tốt. Doanh nghiệp có ngành nghề dạy thêm, học thêm chưa được quản lý, trong khi trách nhiệm của cấp chính quyền địa phương trong Luật doanh nghiệp không quy định việc này.
*Kiên quyết xử lý dạy thêm, học thêm trái quy định
Theo Ban Văn hóa - Xã hội, công tác thanh, kiểm tra, xử lý chưa thực sự nghiêm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có thành phố Thái Bình xử lý hai giáo viên đưa học sinh Tiểu học vào dạy tại các trung tâm ngoại ngữ, trong khi vi phạm này không phải là cá biệt. Vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay không chỉ ở trung tâm mà cả ở nhà riêng, thậm chí với học sinh Tiểu học.
Ban cho rằng, mặc dù đến thời điểm này chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thanh, kiểm tra các công ty giáo dục nhưng Điều 21, Thông tư 17 quy định thẩm quyền của UBND tỉnh, Sở Giáo dục, UBND huyện, các Phòng Giáo dục và Đào tạo. Dù tổ chức dạy thêm, học thêm với bất cứ hình thức nào, thẩm quyền quản lý, thanh tra đều của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình, dạy thêm, học thêm nếu đúng quy định, phải được duy trì. Nếu không đúng quy định, kiên quyết xử lý. Sở Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về vấn đề này. Trong điều kiện chưa ban hành được thì ban hành quyết định tạm thời. Trên cơ sở đó, các địa phương, ngành thực hiện đảm bảo cho hoạt động dạy thêm, học thêm đúng theo bản chất, quy định. Phụ huynh học sinh trên cơ sở lực học của con mình, đánh giá, lựa chọn hình thức học phù hợp, tránh tình trạng theo số đông, thấy con người khác đi học thêm, con mình cũng đi. Ngành Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu đề thi vào cấp Trung học Phổ thông, trường chuyên cần ở mức độ đánh giá được lực học trung bình gắn với phân loại...
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Thông tư 17 quy định việc dạy thêm, học thêm nhưng khi Luật Đầu tư có hiệu lực, vấn đề dạy thêm, học thêm không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường chỉ quy định là giáo viên không được đưa học sinh mình trực tiếp giảng dạy trong lớp ra bên ngoài học. Nếu giáo viên dạy học sinh không phải lớp mình dạy, không phải trường mình dạy thì vẫn được.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lý giải, báo cáo việc này và đề nghị Chính phủ đưa dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đó mới có cơ sở pháp lý, chế tài trong thanh, kiểm tra, cấp phép.
Khi UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu ban hành quy định về việc này. Sở mời các Sở Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư cùng các ban, ngành liên quan họp tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định. Sở Tư pháp cho biết, những điều khoản trong Thông tư 17 đã bỏ. Vì vậy, phải chờ văn bản quy định mới, UBND tỉnh mới ban hành được quy định về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Sở tham khảo các tỉnh, đến nay, chưa có địa phương nào ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp quyết liệt hơn nhằm đảm bảo việc dạy thêm, học thêm đúng quy định, lành mạnh, có hiệu quả vì quyền lợi của học sinh và của giáo viên.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, trong lúc chờ đợi văn bản của Trung ương, thực tế trên địa bàn tỉnh đang diễn ra “biến tướng”, thành lập các trung tâm, thầy cô giáo vào đây dạy chính học sinh của mình. Thời gian trên chính khóa không dạy hoặc dạy qua loa, dành thời gian dạy ngoài giờ. Cấp Tiểu học quy định không giao bài về nhà, trước đây, cô giáo photo bài tập gửi phụ huynh, hiện nay đã lập nhóm Zalo với phụ huynh để gửi bài tập... Đây là vấn đề xã hội bức xúc cần phải đối mặt, lên án. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu và có chỉ đạo.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các hiệu trưởng. HĐND tỉnh cùng các Tổ đại biểu tiếp tục giám sát vấn đề này./.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- dạy thêm
- học thêm
- trái quy định