Giáo dục

Trao giải cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023

90 học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, thanh niên xuất sắc đã vượt qua hơn 2,1 triệu thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi.

Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh đoạt giải Nhất. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 26/12, tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phát biểu tại Lễ tổng kết, ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên cho biết: Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là hoạt động được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm. Đây là một trong nhiều hoạt động của ngành Giáo dục nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách hiệu quả, sâu rộng và sáng tạo. Cuộc thi nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên. Đồng thời là dịp để các cán bộ quản lý, các thầy cô giáo; các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở trong và ngoài nước nâng cao nhận thức về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động học tập, rèn luyện, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, từ đó lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng xã hội.

Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên biểu dương 90 học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, thanh niên xuất sắc đã vượt qua hơn 2,1 triệu thí sinh đoạt giải cao trong cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm nay. Đồng thời, mong các em tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phát huy những kết quả đạt được, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, xứng đáng là những tấm gương xuất sắc, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, góp phần làm cho di sản của Người tiếp tục được khẳng định và phát huy mạnh mẽ; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội.

Cuộc thi năm 2023 diễn ra từ ngày 11/9-26/11 với hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến (từ vòng loại đến vòng chung kết) trên website: http://hocvalamtheobac.vn, gồm 3 bảng dự thi. Bảng A: Dành cho học sinh phổ thông (bao gồm học sinh các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và học viên các Trung tâm Giáo dục thường xuyên). Bảng B: Dành cho sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo và du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Bảng C: Dành cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên trẻ, đoàn viên, thanh niên (không thuộc đối tượng của Bảng A và Bảng B, dưới 35 tuổi).

Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức, có 63/63 tỉnh, thành phố và 562 trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm, cao đẳng nghề tham gia, với 2.133.658 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có các thí sinh đang là du học sinh ở nước ngoài.

Ban tổ chức trao giải cho đại diện các đơn vị, nhà trường đoạt giải tập thể. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cuộc thi đã trải qua vòng loại với 4 tuần thi và vòng thi bán kết. Kết thúc vòng bán kết, Ban tổ chức đã chọn những thí sinh có thành tích cao nhất vào thi vòng chung kết xếp hạng cá nhân toàn quốc.

Kết quả, ở mỗi bảng A, B, C, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 20 giải Tư. Giải Nhất bảng A thuộc về em Nguyễn Xuân Đạt, lớp 8A3, Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Giải Nhất bảng B thuộc về sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa, lớp B3E, khóa D46 Khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân. Giải Nhất bảng C là cô Đào Thị Thuận, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ, tỉnh Thái Nguyên.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức theo hướng: mở rộng phạm vi, đa dạng hóa các hình thức, mức độ trả lời câu hỏi, tăng cường liên hệ, vận dụng để người dự thi có cơ hội thể hiện trực tiếp kiến thức sâu sắc, năng lực vận dụng sáng tạo của bản thân về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cập nhật, bổ sung các vấn đề thực tiễn đặt ra cho thế hệ trẻ trong việc hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của từng cá nhân đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm