Thời sự

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cao Bằng

Tại Cao Bằng, IFAD có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt thông qua Chương trình phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo do IFAD hỗ trợ.

TTXVN - Ngày 27/2, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tiềm năng, cơ hội hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của tỉnh Cao Bằng.

Ông Ambrosio Barros, Trưởng đại diện, Giám đốc quốc gia IFAD Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tại hội nghị, ông Ambrosio Barros, Trưởng đại diện, Giám đốc quốc gia IFAD Việt Nam nhấn mạnh: Mục tiêu của IFAD là thúc đẩy nền nông nghiệp thích ứng với khí hậu, định hướng thị trường để giúp các cộng đồng này phát triển. Dựa trên kiến thức phong phú được tích lũy thông qua dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), IFAD mong muốn tận dụng các phương pháp tiếp cận đổi mới và các bài học được đúc kết để tạo ra sự thay đổi sâu sắc. Tại Cao Bằng, IFAD có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, đặc biệt thông qua Chương trình phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo do IFAD hỗ trợ.

Chương trình phát triển doanh nghiệp với nông thôn nghèo có tổng kinh phí 24 triệu USD, trong đó vốn vay IFAD là 16,4 triệu USD. Dự án hoàn thành mục tiêu “góp phần giảm nghèo bền vững và công bằng ở nông thôn”; theo đó, tỷ lệ nghèo tại khu vực dự án giảm từ 49% (năm 2010) xuống 31,6% (năm 2013). Tiếp nối thành công của dự án, Chính phủ Việt Nam và IFAD mở rộng hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Cao Bằng thông qua Chương trình hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) đang được triển khai nhằm giới thiệu Chiến lược hợp tác sản xuất công - tư nhân (hoặc 4P) toàn diện hơn.

Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng được thực hiện từ năm 2017, đến nay đã có trên 23 nghìn người tiếp cận các hoạt động Dự án; gần 13 nghìn hộ được hưởng lợi... Dự án thực hiện được gần 95% tổng mức đầu tư, đạt kết quả khá rõ nét trên tất cả hợp phần.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung chia sẻ, khuyến nghị cơ hội, tiềm năng phát triển các chuỗi giá trị có thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới; khuyến nghị của đại diện các tổ chức quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những cơ hội, tiềm năng phát triển các chuỗi giá trị, chính sách, kinh nghiệm của các tổ chức và cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng với các nhà tài trợ quốc tế trong tương lai.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp đáng kể của IFAD tại Cao Bằng trong hơn 15 năm qua, có nhiều sáng kiến hữu ích được áp dụng với mục tiêu vì sự tiến bộ bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động đã được IFAD và UBND tỉnh phê duyệt nhằm đạt được các mục tiêu của dự án; thực hiện tốt đánh giá và quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Ban điều phối tham mưu cho UBND tỉnh nhân rộng để duy trì các kết quả của dự án, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về cách làm hay để vận dụng thực hiện các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh. Văn phòng IFAD Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ Dự án CSSP tỉnh hoàn thành các mục tiêu của dự án đúng tiến độ và hiệu quả theo Hiệp định sửa đổi đã ký; tiếp tục quan tâm, đầu tư Dự án IFAD giai đoạn 3 và làm cầu nối với các nhà tài trợ quốc tế tham gia hợp tác kinh tế với Cao Bằng ngay sau khi Dự án CSSP kết thúc.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Cao Bằng kết nối với các nhà tài trợ quốc tế; hỗ, trợ thủ tục để tỉnh tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán các nước quan tâm, cung cấp nguồn vốn ODA, nhất là các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ Cao Bằng có cơ hội hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững./.

Chu Hiệu

Xem thêm