Với các loại hình thiên tai như: mưa, lũ, bão, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn… cần có các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác hại.
Chiều 29/8, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tổ chức Diễn đàn “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng thảo luận, trình bày các tham luận đưa ra các giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Theo ông Đặng Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), trước diễn biến của biến đổi khí hậu, giải pháp trong thời gian tới là cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động, hệ thống quan trắc chuyên dùng của các ngành, địa phương; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Đồng thời, rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng hồ chứa mới, bổ sung dung tích phòng lũ cho một số hồ trên các lưu vực sông; rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đê biển theo hướng nâng cao mức đảm bảo an toàn với bão, triều cho một số khu vực; đầu tư kinh phí củng cố, nâng cấp các tuyến đê biển, cửa sông xung yếu, đảm bảo chống bão theo tiêu chuẩn thiết kế.
Các đơn vị, địa phương cần tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; di dời dân cư ở khu vực có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt hệ thống theo dõi, cảnh báo tự động lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng nhà an toàn cho người dân trong khu vực; huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai.
Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho rằng, với các loại hình thiên tai như: mưa, lũ, bão, rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn… cần có các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác hại. Giải pháp về trồng trọt, đối với mưa, lũ, bão và áp thấp nhiệt đới cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trồng rừng, khơi thông dòng chảy các sông suối; gia cố hệ thống đê điều; bố trí, di dời các hộ dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn.
Trong điều kiện hạn hán, nắng nóng, người dân cần đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của hạ tầng kỹ thuật, củng cố, nâng cấp hệ thống, kịp thời sửa chữa hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước trong thời điểm nắng nóng, hạn hán. Từ năm 2017 đến năm 2020, tại vùng Bắc Trung Bộ đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với diện tích khoảng 34.448 ha.
Tại tỉnh Quảng Bình, những năm gần đây bão và áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ, càng ngày mức độ càng khốc liệt và khó lường hơn.
Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả, hướng đến giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo sinh kế bền vững cho người dân, Phó Chi cục trưởng, Chi Cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình Hà Xuân Đàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, cơ quan Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp của tỉnh, bao gồm: Hỗ trợ tỉnh kinh phí sửa chữa, xây dựng, nâng cấp các công trình hồ đập chứa nước phục vụ phòng, chống thiên tai và đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều bảo vệ sản xuất; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp; đầu tư kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tiêu thoát nước; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng; triển khai phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, các đại biểu tham gia Diễn đàn đi tham quan mô hình trồng măng tre lục trúc tại trang trại Đức Thành (thôn Trảng Bàng, xã Hòa Thạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là mô hình tiêu biểu cho việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai của tỉnh Quảng Bình./.
- Từ khóa:
- giải pháp
- sinh kế
- rủi ro
- thiên tai
- Quảng Bình