Áp dụng hệ thống thu tiền vé tự động đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong vận hành, thuận tiện cho người sử dụng; cải thiện chính sách về giao thông và kế hoạch vận hành.
Đây là quan điểm của ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam tại Tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/5.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy và chuyển đổi hướng tới hệ thống giao thông thông minh, đặc biệt là lĩnh vực giao thông công cộng. Một trong những bước đi quan trọng là việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động cho giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến metro số 01 Bến Thành - Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là lần đầu tiên người dân có thể sử dụng các phương tiện thẻ vé khác nhau như thẻ vé tháng, thẻ ngân hàng, tài khoản ví điện tử để sử dụng dịch vụ metro tự động mà không cần thu soát vé thủ công. Qua đó, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các quầy vé, cửa soát vé và tạo ra trải nghiệm thuận tiện hơn cho hành khách.
Với mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho người dân và tiết kiệm chi phí vận hành, các cơ quan quản lý và vận hành giao thông đã xác định việc triển khai hệ thống thẻ vé tự động là một trong những ưu tiên quan trọng. Không chỉ dừng lại ở hệ thống metro, các dự án giao thông công cộng như xe buýt, bãi đỗ xe cũng đang triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé tự động với nhiều công nghệ mới. Mặc dù vậy, hoạt động này vẫn chưa được nhân rộng tạo thuận lợi cho người dân, hành khách cũng như các đơn vị vận hành.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, thành phố cơ bản đã xây dựng xong các chính sách để phát triển hệ thống thẻ vé thông minh. UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức trên địa bàn bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thời gian thuê dự kiến từ năm 2025 đến năm 2030. Dự kiến đến ngày 2/9/2025, Hà Nội sẽ chính thức khai trương hệ thống thẻ vé liên thông này bằng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Để xây dựng được hệ thống thẻ vé liên thông này, ngoài các khung kỹ thuật, các đề án về phát triển giao thông đô thị thông minh, ông Hải cho rằng, cần xây dựng một chính sách vé cụ thể cho từng loại hình vé, từng loại hình dịch vụ và bảo đảm tính mở, tính kết nối không chỉ với các loại hình dịch vụ vận tải hành khách mà còn với các loại hình dịch vụ khác. Hệ thống này không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng mà còn liên thông với thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe và sử dụng dịch vụ không chỉ trên địa bàn Thủ đô. Ông bày tỏ hy vọng hệ thống thẻ vé liên thông sẽ kết nối trên toàn bộ Việt Nam.
Đánh giá về hệ thống vé hiện tại, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Metro Hà Nội cho biết, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động, nhưng ở Hà Nội mỗi tuyến lại có hệ thống riêng. Người sử dụng vé tháng đi rất thuận tiện, ổn định. Duy chỉ có mua vé lượt phải đến nhà ga mua và thẻ vé của 2 tuyến chưa liên thông được với nhau. Đây là hai nhược điểm. Hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến này nếu hoạt động đơn tuyến rất tin cậy, việc xử lý thông tin chính xác và tốc độ đóng, mở cửa rất nhanh.
Giải đáp về việc khi nào người dân có thể sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ ngân hàng, ông Hùng cho biết đang rất mong chờ hệ thống Sở Xây dựng đang làm, có thể liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, liên thông giữa đường sắt đô thị với xe xe bus… Công cụ thanh toán thông minh hơn và người dân không phải sử dụng tiền mặt để mua.
Nêu kinh nghiệm từ Nhật Bản với gần 100 năm vận hành tại Tokyo, ông Satoru Horiuchi, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Metro Việt Nam chia sẻ, Công ty này đã áp dụng hệ thống thu tiền vé tự động (AFC) để nâng cao sự thuận tiện cho hành khách cũng như công tác quản lý và vận hành. Hiện nay thẻ vé thông minh đã được sử dụng thống nhất tại Nhật Bản.
Còn theo ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam, hệ thống AFC có 3 điểm đáng chú ý, một là tính hiệu quả và minh bạch trong vận hành. Hệ thống này giúp việc đi tàu trở nên thuận tiện nên hiệu suất vận tải được nhân lên, áp lực công việc của nhân viên thu phí được giảm bớt. Đồng thời, tránh được việc bỏ sót thu phí và những hành vi gian lận, quản lý việc thu phí theo thời gian thực bằng việc số hóa dữ liệu doanh thu.
Hai là tính thuận tiện cho người sử dụng tăng lên. Hệ thống sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng nhằm tối ưu sự thuận tiện của phương tiện giao thông công cộng. Qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần tăng số lượng người sử dụng lâu dài.
Thứ ba là cải thiện chính sách về giao thông và kế hoạch vận hành. Dựa trên số liệu sử dụng có thể nắm được tình hình vận hành các tuyến và khung giờ đông đúc, điều chỉnh giờ chạy tàu, thiết kế các tuyến đường sắt và xem xét chiến lược cấp phí. Từ đó góp phần xây dựng cơ chế vận hành tốt hơn.
Đại diện Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc cho hay, từ năm 2021, NAPAS đã thí điểm thanh toán thẻ ngân hàng thông qua hệ thống giao thông công cộng của Vinbus ở Hà Nội, sau đó đã thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho những vé ra vào, vé đỗ xe ở các cảng hàng không kết hợp cùng công ty iPay.
Ngày 14/2 vừa qua, NAPAS phối hợp với các ngân hàng, tổ chức quốc tế triển khai kết nối thẻ ngân hàng, thẻ nội địa NAPAS và các thẻ quốc tế để thanh toán vé tự động của hệ thống Metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Người dân Việt Nam và du khách quốc tế đều có thể dùng thẻ ngân hàng để đi metro. Ngành ngân hàng nói chung, NAPAS nói riêng đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nghiệp vụ, sản phẩm để khi ngành giao thông có nhu cầu, sẽ tạo thành hệ thống liên thông mở giữa thẻ vé soát vé tự động của các phương tiện giao thông công cộng với hệ thống thẻ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng./.