Hội nhập

Giải pháp vận hành báo chí hiệu quả trong xu hướng chuyển đổi số

Để báo chí thực sự vận hành một cách hiệu quả trong xu hướng chuyển đổi số, người làm báo không những cần quan tâm tới “công nghệ” mà còn phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế đối với lĩnh vực báo chí.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

TTXVN - Sáng 27/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, các đơn vị báo chí tại cơ quan hội trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam được giao tự chủ, tự hạch toán, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, các đơn vị này một mặt hoạt động theo tôn chỉ mục đích của mình, một mặt phải “thỏa mãn” nhu cầu thị trường - doanh nghiệp để có nguồn thu cho đơn vị. Nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo, bán báo, tạp chí, phí đăng bài báo khoa học, liên kết tổ chức sự kiện. Một số cơ quan báo chí thực hiện đơn đặt hàng của các chương trình tuyên tuyền của Chính phủ, bộ, ngành,... Cho đến thời điểm này, chỉ có một số ít tạp chí đảm bảo thu bù chi, hoặc chỉ đảm bảo được ở mức tối thiểu. Trên thực tế, các đơn vị báo chí được khảo sát đều phải tự cân đối nguồn tài chính của đơn vị để chi lương mà không theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Vì vậy, Hội thảo là cơ hội để đại diện của các tạp chí trong và ngoài Liên hiệp Hội Việt Nam cùng trao đổi kinh nghiệm về vấn đề nguồn thu của các cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn từ việc thị trường bị thu hẹp, suy thoái kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội... Đồng thời, đề ra giải pháp duy trì và phát triển hệ thống báo chí nói chung và hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng.

Bàn về phát triển kinh tế trong lĩnh vực báo chí theo xu hướng chuyển đổi số, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà Báo Việt Nam cho rằng, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tuy nhiên, để báo chí thực sự vận hành một cách hiệu quả trong xu hướng chuyển đổi số, người làm báo không những cần quan tâm tới “công nghệ” mà còn phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế đối với lĩnh vực báo chí.

Nhà báo Nguyễn Thành Lợi đề xuất phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số (Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN)

Để phát triển kinh tế đối với lĩnh vực báo chí trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi đề xuất, các cơ quan báo chí cần thay đổi tư duy, coi trọng công nghệ làm báo hiện đại; xây dựng các bộ phận truyền thông, quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới và tái cấu trúc hoạt động kinh tế, xây dựng chiến lược “điện tử hóa” báo chí.

Bên cạnh đó, nhằm tăng nguồn thu bên ngoài “mặt báo”, các cơ quan báo chí cần có chính sách xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng hiệu quả; đặc biệt, cần phân tích dữ liệu để thuyết phục người đọc trả phí trên báo chí điện tử. Đây cũng là nguồn thu của báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung về chuyển đổi số đa nền tảng- công cụ để phát triển kinh tế báo chí; tự chủ tài chính với cơ quan báo chí: khó khăn, thách thức và giải pháp... Từ đó, nhiều đại biểu đề xuất khuyến nghị, giải pháp để các cơ quan báo chí tự chủ của Liên hiệp Hội Việt Nam tháo gỡ khó khăn như: Coi trọng đồng bộ công tác đổi mới các nội dung và phát hành; chú trọng chiến lược phát triển nguồn thu; xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí; tăng cường vai trò kết nối với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, xuất bản; tham mưu, phản biện cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng các văn bản quy phạm triển khai phổ biến các văn bản pháp luật./.

Diệu Thúy

Tin liên quan

Xem thêm