Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó ô tô là 1,1 triệu và xe máy khoảng 6,9 triệu. Thành phố đã thiết lập các đề án quy định những vùng phát thải thấp - vùng sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các yếu tố có thể gây ô nhiễm môi trường.
Mới đây, ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, Chỉ thị 20 nêu một loạt giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, xử lý nước thải, chất rắn.
Trao đổi tại Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/7, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, những chỉ đạo trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách, mang tính tổng thể và toàn diện, tập trung vào nhiều nội dung. Chỉ thị đưa ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, về không khí tại một số đô thị lớn, về nước thải tại lưu vực sông, xử lý chất thải rắn tại các đô thị, vùng nông thôn. Chỉ thị cũng đưa nhiều giải pháp bổ trợ khác với tổng thể về mặt cơ chế, chính sách để mục tiêu đạt được giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó ô tô là 1,1 triệu và xe máy khoảng 6,9 triệu. Riêng trong khu vực Vành đai 1 - trung tâm nội đô lịch sử, nơi phải đảm bảo môi trường tốt nhất, số lượng xe máy là 450 nghìn.
Qua nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các chuyên gia xác định phương tiện giao thông bằng xăng dầu, nhất là xe máy, là một nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (chiếm khoảng 60%). Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát khí thải hiện nay còn hạn chế, khó kiểm soát phương tiện xả thải ra môi trường.
Chỉ thị 20 của Thủ tướng đưa ra những nhiệm vụ, chỉ đạo, chỉ tiêu liên quan tới xử lý các phương tiện giao thông. Chỉ thị này có điểm tương đồng với Luật Thủ đô. Triển khai Luật Thủ đô, thành phố đã thiết lập các đề án quy định những vùng phát thải thấp - vùng sẽ kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện, các yếu tố có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Nguyên tắc là kiểm soát trong khu vực trung tâm đô thị lõi, xác định theo các vành đai, từ Vành đai 1 mở rộng ra các Vành đai 2,3. Quá trình này phù hợp cho các vùng không khí, các phương tiện đều phải hướng tới phát thải thấp.
Nêu nội dung Chỉ thị 20 là đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3, ông Tuấn cho hay, thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai. Liên quan đến phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng dầu, đây là vấn đề phải đảm bảo hài hòa cho người dân sử dụng phương tiện, các doanh nghiệp và nhà nước, khả thi khi triển khai.
Thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất, tối đa nhất cho nhân dân, đặc biệt là người dân trong khu vực Vành đai 1. Bên cạnh đó khuyến khích người dân ở khu vực ngoài Vành đai 1 theo lộ trình từ năm 2026 - 2030 thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi. Hà Nội sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng phương tiện đưa ra những chế độ ưu đãi nhất để đổi phương tiện; chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, nhất là trạm sạc cho các xe nhiên liệu sạch, sử dụng điện.
“Song song đó là việc phải đảm bảo an toàn. Có rất nhiều trường hợp chúng ta kiểm soát không phù hợp thì tạo ra những dấu hiệu mất an toàn cho các đối tượng sử dụng xe này”, ông Tuấn nhấn mạnh; đồng thời lấy ví dụ như pin xe liên quan tới cả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, sẽ phải kiểm soát và thiết lập đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hệ thống giao thông tĩnh, kiểm soát chặt các khu vực trong cấu trúc công năng của một tòa nhà, chủ yếu triển khai ở các khu vực bên ngoài.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin về việc cấu trúc lại mạng lưới xe buýt, đến năm 2030 Thành phố sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe buýt điện, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực Vành đai 1, phát triển lan tỏa Vành đai 2 đến năm 2028, tiến tới năm 2030 cho các vành đai; kết hợp hệ thống xe buýt với hệ thống đường sắt đô thị./.