Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của mình để thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc đối với những người có công với cách mạng
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta, ngày 27/7 đã trở thành ngày tri ân người có công với cách mạng, thương bệnh binh, các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Đây là nội dung chính được nhấn mạnh tại hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố Hà Nội tháng 7/2025.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Minh Hoàng cho biết, năm 2025, kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của mình để thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc đối với những người có công với cách mạng. Các địa phương đã và đang chủ động triển khai kế hoạch thực hiện.
Năm 2025, toàn thành phố dự kiến vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 21.870 triệu đồng; tặng 1.102 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công. Thành phố phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất.
Hiện nay, các địa phương cơ bản đã triển khai xong việc chi trả quà của Chủ tịch nước và thành phố đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, chu đáo. Ngoài quà của thành phố, các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể đã có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan đơn vị quản lý. Cụ thể, tổng số 240.428 suất quà; số tiền trên 218,5 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là 16.308 suất, kinh phí trên 7 tỷ đồng). Trong đó, quà của Chủ tịch nước 109.683 suất, số tiền trên 33,4 tỷ đồng; quà của thành phố 114.193 suất, số tiền trên 177,7 tỷ đồng; quà cấp cơ sở 16.552 suất, số tiền trên 7,4 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2025 đến nay, Sở Nội vụ đã chủ trì tổ chức 5 Đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tại nhiều địa phươn. Trong tháng 7/2025, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu thành lập Đoàn đại biểu thành phố viếng nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị; viếng nghĩa trang liệt sĩ thành phố; tham mưu Đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm, tặng quà các cá nhân tiêu biểu. Sở phối hợp Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tại Hà Nội (dự kiến ngày 23-24/7).
Sở Nội vụ đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 76.462 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, kinh phí chi trả 6 tháng đầu năm là 1.658 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện tạm ứng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi tháng 6-7/2025 cho người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng để đảm bảo việc chi trả được ổn định, không bị gián đoạn khi các đơn vị hành chính mới chính thức hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các xã, phường mới trên cơ sở tiếp nhận bàn giao tiếp tục triển khai, thực hiện trong tháng cao điểm (tháng 7/2025) để hoàn thành các chỉ tiêu đền ơn đáp nghĩa theo kế hoạch. Về đối tượng và mức tặng quà, mức quà (bằng tiền mặt) 2 triệu đồng/người gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (Bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp. Trường hợp 1 cá nhân thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ nhận 1 suất quà tặng của thành phố.
Mức quà (bằng tiền mặt) 1 triệu đồng/người gồm: Đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà). Đối với mức quà tặng các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, mức quà 16 triệu đồng/đơn vị (trong đó túi quà 1 triệu đồng, tiền mặt 15 triệu đồng) gồm: Làng Hữu nghị Việt Nam; các trung tâm nuôi dưỡng người có công các tỉnh liền kề có đối tượng người có công Hà Nội đang được nuôi dưỡng (7 đơn vị); Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố; Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội; Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội; các đơn vị nuôi dưỡng điều dưỡng người có công; các đơn vị sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền công nhận sử dụng 30% tổng số trở lên là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh trên địa bàn thành phố.
Mức quà 11 triệu đồng/đơn vị (trong đó túi quà 1 triệu đồng, tiền mặt 10 triệu đồng) gồm: Ban quản lý các nghĩa trang của thành phố (Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Nhổn, Ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, Ban quản lý nghĩa trang Mai Dịch). Đồng thời, thành phố cũng tặng 72 suất quà cá nhân tiêu biểu, mỗi suất 6 triệu đồng (tiền mặt 5 triệu đồng, túi quà 1 triệu đồng)./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- quan tâm
- chăm lo
- người có công
- cách mạng