Khoa học

Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần đầu tiên được trao cho 15 công trình xuất sắc

Thừa Thiên Huế

Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học tham gia. Điều này cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo phát triển ngày càng sôi nổi và sâu rộng trong nữ giới.

Ban tổ chức trao thưởng cho các tác giả đoạt giải. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Chiều 18/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổng kết và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ nhất năm 2024.

Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 15 công trình, cụm công trình xuất sắc. Điển hình là cụm công trình “Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn, ức chế virus, ức chế hội chứng bệnh từ các loài dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và phát triển sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung làm chủ nhiệm; cụm công trình “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu và cây gia vị họ gừng" do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Bích Phượng làm chủ nhiệm; cụm công trình “Chiết xuất xanh hoạt chất có hoạt tính sinh học từ dược liệu" do Giáo sư Nguyễn Thị Hoài làm chủ nhiệm; công trình “Đánh giá tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Trung ương Huế" do bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương làm chủ nhiệm…

Trao thưởng cho công trình nghiên cứu sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh cho một số loại rau ăn lá tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. 
Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Chúc mừng 15 tác giả giành giải thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, lần đầu được tổ chức nhưng Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học tham gia. Điều này cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo phát triển ngày càng sôi nổi và sâu rộng trong nữ giới. Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị: Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ phụ nữ nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, nhất là cơ chế về ngân sách, vốn, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực... Cùng với đó là tiếp tục bồi dưỡng, phát hiện và kịp thời biểu dương điển hình phụ nữ xuất sắc trên mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Ban tổ chức trao thưởng cho PGT, TS Nguyễn Thị Ái Nhung và cộng sự trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
 Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Theo đánh giá của Hội đồng xét tặng giải thưởng, các công trình đoạt giải là những nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo đã có đóng góp quan trọng cho ngành khoa học và công nghệ của tỉnh. Nhiều công trình được công bố quốc tế, đăng trên tạp chí uy tín của thế giới. Các công trình này được nghiên cứu bài bản và chuyên sâu từ cơ bản đến ứng dụng, là minh chứng rõ ràng cho sự kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau gần 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hồ sơ của 35 công trình, cụm công trình đăng ký xét tặng giải thưởng trên 5 lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học nông - lâm - ngư nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học y dược.

Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế là một trong hai giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên - Huế về khoa học và công nghệ; được xét, trao tặng cho tác giả của công trình khoa học và công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích, ý tưởng đổi mới sáng tạo có chủ nhiệm là nữ, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.../.

Nguyễn Thị Tường Vi

Tin liên quan

Xem thêm