Xã hội

Giám sát chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng

Kon Tum

Với 19 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue và một ổ bệnh tay - chân - miệng, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị.

Lực lượng y tế phun hóa chất diệt muỗi tại khu dân cư. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

TTXVN - Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 19 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue với 43 ca mắc; 31 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngành Y tế tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa số ca mắc.

Thành phố Kon Tum là một trong những địa phương có số ca mắc bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết nhiều nhất của tỉnh. Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 18 ca mắc sốt xuất huyết và 9 ca mắc tay - chân - miệng. Dù số ca mắc đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, song theo nhận định của Trung tâm, những tháng đầu năm, số ca mắc bệnh thường thấp do mưa chưa nhiều. Bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11, số ca mắc thường tăng nhanh do đây là mùa mưa ở Tây Nguyên và trùng với mùa sinh sản, phát triển của muỗi truyền bệnh Aedes Aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết, các cấp, ngành đã ra quân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue một cách đồng bộ, tích cực, triệt để. Các địa phương quản lý các cơ sở, hộ gia đình có lốp xe cũ, kinh doanh phế liệu… trên địa bàn; triển khai thường xuyên chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại 100% thôn, tổ dân phố, xã, phường. Hoạt động này mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thấp hơn cùng kỳ những năm trước.

Người dân tại thành phố Kon Tum xử lý các vật dụng chứa nước tại khu dân cư. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định, nhận định những tháng còn lại trong năm sẽ là thời điểm bùng phát các loại dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát và thực hiện có hiệu quả cam kết vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết Dengue đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu, lốp xe đã qua sử dụng và hộ gia đình trên địa bàn. Trung tâm thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… Trung tâm sẽ huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ... để điều trị kịp thời và đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.

Bác sỹ Chuyên khoa II Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, trong số các ca mắc bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, chưa có ca chuyển nặng, tử vong. Với 19 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue và một ổ bệnh tay - chân - miệng, ngành Y tế đã tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum chia sẻ, địa phương là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Tây Nguyên (khoảng 55%), chủ yếu sinh sống ở vùng xa, điều kiện đi lại còn khó khăn. Do đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa cao, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế; chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy mà còn trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành Y tế. Thêm vào đó, tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để đựng, chứa nước của người dân không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti - muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và lăng quăng, bọ gậy phát triển.

Chính quyền địa phương và lực lượng y tế tổ chức xử lý các vật dụng chứa nước tại khu dân cư. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Bác sỹ Chuyên khoa II Đỗ Ngọc Hòa nhấn mạnh, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện, thành phố; sản xuất và phát các thông điệp phát thanh để tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã và tại các thôn, làng, tổ dân phố. Ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền trên mạng xã hội như facebook, zalo; trong đó chú trọng tới thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng, bọ gậy” tại hộ gia đình.

Sở Y tế tỉnh Kon Tum khuyến cáo, người dân đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…

Đối với bệnh tay - chân - miệng, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, các gia đình không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất./.

Dư Toán

Xem thêm