Giám sát tại Đồng Nai: Thành phố 1,3 triệu dân không có nhà tang lễ, rạp hát
Một số phương án sắp xếp tại Đồng Nai chưa được thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch. Việc sắp xếp bộ máy ở một số đơn vị còn mang tính cơ học.
TTXVN - Ngày 29/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
Kết luận giám sát, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho rằng, thời gian qua, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn rất nỗ lực, phục vụ tốt các tầng lớp nhân dân, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò của mình, hoạt động yếu kém; việc tự chủ về tài chính tại các đơn vị còn hạn chế; hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách. Do ngân sách chi cho hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập lớn nên Đồng Nai thiếu kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông.
Ông Quản Minh Cường đánh giá tỉnh có lịch sử lâu đời, nhiều lợi thế để phát triển văn hóa, du lịch, nhưng hiện nay trung tâm du lịch của tỉnh không có hoạt động nổi bật. Ở Đồng Nai còn những đám tang diễn ra trong 7 ngày. Thành phố Biên Hòa có 1,3 triệu dân nhưng chưa có nhà tang lễ, không có rạp hát, rạp chiếu phim xứng tầm. Điều này cho thấy ngành văn hóa và một số đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động chưa hiệu quả. Tới đây, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, xem xét thấu đáo những vấn đề này để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Theo ông Quản Minh Cường, về sáp nhập, thành lập đơn vị sự nghiệp công lập, ngành chức năng cần thực hiện trên tinh thần đơn giản bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, phục vụ tốt nhân dân; không rập khuôn, máy móc. Đồng Nai tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, có dự án sân bay Long Thành và nhiều tuyến cao tốc. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển, đặc biệt là giáo dục và y tế. Các ngành chức năng trong tỉnh cần quan tâm công tác quy hoạch, dự báo tương lai để tận dụng tốt các lợi thế.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 12/2023 trên địa bàn có hơn 880 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 120 đơn vị và hơn 3.500 biên chế so với năm 2015; toàn tỉnh có 5 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, gần 120 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và một phần thường xuyên. Số còn lại do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Từ năm 2018 - 2023, Đồng Nai cơ cấu lại, giải thể nhiều đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập tại Đồng Nai góp phần tinh gọn bộ máy, giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; phát huy hiệu quả hoạt động trong nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, tạo sự chủ động, sáng tạo cho các đơn vị sự nghiệp.
Tuy nhiên, một số phương án sắp xếp chưa thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Việc sắp xếp bộ máy ở một số đơn vị còn mang tính cơ học, chưa có sự gắn kết; mới chỉ giảm đầu mối về tổ chức bộ máy, chưa gắn với tinh giản biên chế; sáp nhập các đơn vị trường học còn chậm. Một số đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quy trình tổ chức lại chưa chặt chẽ khiến tư tưởng của một số viên chức dao động, lo lắng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Đồng Nai đề xuất cơ quan Trung ương không cắt giảm 10% biên chế như nhau giữa các địa phương, ngành như: Giáo dục, y tế, lao động; sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn định mức số lượng người làm việc tại từng vị trí việc làm để có cơ sở xác định biên chế tại các đơn vị sự nghiệp./.