Thực thi chính sách

Giám sát việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Tây Ninh

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả đạt được của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân một cách chủ động.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 23/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Đoàn giám sát về thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” đến tháng 12/2023 (Nghị quyết số 43).

Báo cáo với Đoàn Giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, ông Dương Quốc Sinh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời nhiều văn bản về triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở  phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030; Kế hoạch về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn năm 2023.

Theo ông Dương Quốc Sinh, vốn cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 đã góp phần tích cực tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần hơn 6.900 lao động; tạo điều kiện cho hơn 328 học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn để mua máy tính phục vụ cho việc học tập trong thời gian COVID-19 phức tạp trên địa bàn tỉnh; giúp hơn 40 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, tiếp tục hoạt động sau thời gian ngừng hoạt động; tạo điều kiện cho 182 gia đình có mái ấm để “an cư lạc nghiệp” hiện thực hóa ước mơ có nhà riêng để ở, ổn định cuộc sống.

Do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm việc dẫn đến tình trạng lao động mất việc làm. Sở đã tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do mất việc làm, thiếu việc làm trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023; hỗ trợ người lao động sớm quay lại thị trường lao động thông qua các ngày hội việc làm, hội chợ việc làm; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để các lao động này có cơ hội tìm kiếm được việc làm nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Thành viên tham gia Đoàn giám sát phát biểu ý kiến. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Năm 2022, ngành đã giải quyết việc làm cho 19.200 người; năm 2023, giải quyết việc làm cho 19.745 lao động, đạt tương ứng 120% và 123,41% kế hoạch đề ra. Trong đó, cho 526 người vay và giải quyết việc làm thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 19,8 tỷ đồng...

Kết luận buổi giám sát, bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đánh giá cao kết quả đạt được của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, nhất là công tác tham mưu của ngành cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho người dân một cách chủ động, kịp thời; sự phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong việc triển khai hiệu quả các nguồn vốn vay liên quan đến các gói hỗ trợ đến người dân; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 trong bối cảnh chưa có tiền lệ của đơn vị...

Bà Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục rà soát thường xuyên, chủ động nắm chặt chẽ các đối tượng để khi có chính sách mới được triển khai, đơn vị có thể khu trú đối tượng vào chính sách phù hợp, kịp thời.

Để công nhân, người lao động kịp thời tiếp cận chính sách, bà Hoàng Thị Thanh Thúy yêu cầu, toàn ngành cần có phương thức truyền thông hiệu quả hơn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách xã hội để có kiến nghị kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn. Ngành đề xuất thêm đối tượng hoặc chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động; đẩy mạnh hơn nữa cải chính hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và nắm thị trường lao động, giải quyết việc làm; nâng cấp, cải tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.../.

Giang Phương

Xem thêm