Hơn 30 năm miệt mài học tập, công hiến và nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng đã có khoảng 40 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, khoảng 70 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước. Những công trình của ông đã được ứng dụng phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Ngày đầu tiên của năm mới 2025, Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) đã chính thức công nhận Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là Viện sĩ chính thức vì những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp phát triển khoa học ở các nước đang phát triển. Trong bức thư gửi Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng thông báo về quyết định của TWAS, Giáo sư, Tiến sĩ Quarraisha Abdool Karim, Chủ tịch TWAS viết: "Cuộc bầu chọn lần này là sự khẳng định rõ ràng về những đóng góp nổi bật của ông cho sự nghiệp phát triển khoa học ở các nước đang phát triển. Chúng tôi rất vinh dự khi ông trở thành thành viên chính thức của chúng tôi".
Chia sẻ về vinh dự này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng cho biết, đây là niềm vui và tự hào to lớn vì đó là sự công nhận của thế giới về những đóng góp khoa học của cá nhân ông. “Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy một trách nhiệm rất lớn đối với chuyên ngành và cộng đồng, tôi thấy mình càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì sự phát triển chung, không chỉ của đất nước, mà còn là của cộng đồng thế giới”.
Nhớ lại ca ghép bàn tay đầu tiên tại Đông Nam Á và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống vào năm 2020, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ, đó là vào dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, một bệnh nhân nam 51 tuổi nhập viện trong tình trạng bong lóc phần mềm rất nặng từ sát nách cho đến vùng khuỷu tay do băng chuyền của máy tải gạch cuốn, đè ép lên tay trái. Phần cánh tay của bệnh nhân đã buộc phải cắt bỏ do bị tổn thương quá nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng; tuy nhiên phần cẳng tay vẫn còn nguyên lành.
Thế rồi, một ý nghĩ lóe trong đầu Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng: Liệu có thể dùng phần bàn tay để ghép cho các bệnh nhân bị cụt tay khác hay không? Và câu trả lời của ông là: Nếu không ghép lúc này thì sẽ không bao giờ làm được. “Thời điểm đó, với quyết tâm cao của tập thể Ban giám đốc Bệnh viện và điểm tựa là kinh nghiệm hàng chục năm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về trồng lại chi thể đứt rời, vi phẫu thuật tạo hình mạch máu thần kinh, chúng tôi đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt ấy”, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
“Tối 26 Tết năm đó (20/1/2020), tôi gọi điện cho anh Phạm V.V. (Thanh Trì, Hà Nội) - là người bị tai nạn mất đi một bàn tay và đã kiên trì chờ đợi suốt 4 năm với hy vọng lại có đủ hai bàn tay như những người bình thường khác, để thông báo đã có người đồng ý hiến chi và ca ghép sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể”, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng kể lại.
Ngay ngày hôm sau, mọi thủ tục nhập viện cho anh V. diễn ra nhanh chóng. Các xét nghiệm hòa hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận đạt mức gần như tối ưu.
Ngày 21/1, bệnh nhân Phạm V.V. đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay lấy từ người cho sống. Ca phẫu thuật do Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cùng các bác sĩ Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, trực tiếp thực hiện.
Ngay sau mổ, bệnh nhân V. đã có thể nhúc nhích các ngón tay. Hơn 3 tháng sau, bệnh nhân đã giữ được một số đồ vật thô như quả bóng bàn; sau hơn một năm đã có thể cầm bút viết và thực hiện được nhiều hoạt động thông thường…
Sau ca ghép cho bệnh nhân V., ca ghép đồng thời cả 2 cánh tay cho một thanh niên 20 tuổi bị cụt cả hai cánh tay đến sát vai do một tai nạn từ 4 năm trước đã để lại ấn tượng đặc biệt đối với Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng. Ông chia sẻ: Đây thực sự là ca mổ rất ấn tượng, không chỉ là ca ghép 2 cánh tay đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là những kết quả phục hồi chức năng rất ngoạn mục sau ghép.
“Thông thường, để cánh tay ghép phục hồi được chức năng vận động và cảm giác, giúp bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, cần ít nhất là 1,5-2 năm. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau ghép cánh tay, các ngón tay của chi ghép này đã có thể tự nhúc nhích được. Sau 10 tháng, cả hai tay ghép đều phục hồi vận động và cảm giác rất tốt. Bệnh nhân đã có thể tự phục vụ được bản thân mình như đi vệ sinh, cầm bát, đũa, cầm bút viết, tự mặc quần áo, đi xe đạp, xe máy, điều khiển điện thoại... Sự phục hồi ngoạn mục của người bệnh là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với những người làm nghề như chúng tôi”, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng nói.
Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ thêm, ghép chi thể là loại ghép đa cấu trúc gồm rất nhiều thành phần khác nhau như: Da, mỡ dưới da, gân, xương, khớp, dịch khớp, mạch máu, thần kinh... nên tiềm ẩn nguy cơ thải ghép rất cao vì có nhiều dạng kháng nguyên phức tạp cùng tồn tại trong một tạng ghép. Việc điều trị thải ghép sau mổ cũng khó khăn hơn nhiều so với các ca ghép tạng đơn thuần khác...
Có được những kết quả trên cũng là nhờ Giáo sư Hoàng đã thu thập và học hỏi được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu sau rất nhiều năm học tập, nghiên cứu và tìm tòi ở nước ngoài. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ qua sự cống hiến thầm lặng không mệt mỏi cho nền y học Việt Nam và thế giới, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng đã góp phần ghi tên người Việt Nam vào danh sách những nhà khoa học được thế giới vinh danh.
Còn nhớ năm 2008, khi báo chí Đức cùng các hãng thông tấn lớn như BBC, CNN, NBC... đều đồng loạt đưa tin và ghi nhận thành công của ca mổ có một không hai trên thế giới, một ca mổ đầy cảm xúc, đầy ấn tượng với sự góp mặt của một bác sĩ người Việt Nam với tư cách là 1 trong 5 phẫu thuật viên chính tại Bệnh viện ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich.
Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng nhớ lại: “Đó là ca phẫu thuật ghép 2 cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị mất cả 2 cánh tay trong một tai nạn lao động từ 6 năm trước đó. Ca mổ không chỉ phục hồi cả 2 cánh tay mà còn cứu cả cuộc đời cho người bệnh".
Khi đó, người người bệnh đã rất nhiều lần có ý định tự tử vì không thể tự mình làm được những công việc dù là đơn giản nhất trong sinh hoạt cá nhân. Để có thể trở lại cuộc sống bình thường, các bác sĩ chỉ còn cách duy nhất là ghép cánh tay cho bệnh nhân lấy từ người cho chết não.
“Người bệnh đã chờ đợi suốt 6 năm liền cho đến khi có một người chết não đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về tương đồng miễn dịch. Ca phẫu thuật đã diễn ra trong suốt 16 giờ, từ 22 giờ hôm trước đến 14 giờ 30 phút của ngày hôm sau với đầy ắp căng thẳng và áp lực khi chúng tôi chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm gì từ một ca mổ tương tự", Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng trầm tư nhớ lại.
Ca phẫu thuật đã thành công vang dội và cho đến nay, chi ghép trên cơ thể người đàn ông đó vẫn sống bình thường. Bệnh nhân đã tự làm được mọi việc bằng hai cánh tay ghép một cách thuận lợi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, kể cả lái xe ôtô, đi xe đạp…
Với ca phẫu thuật đi vào lịch sử y học này, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng và kíp phẫu thuật đã được Nhà nước Đức trao tặng Huy chương khoa học Karl Max von Bauerfeind – phần thưởng cao quý dành cho những cá nhân đã có những cống hiến khoa học đặc biệt xuất sắc.
“Còn phần thưởng mà tôi tự tặng cho mình sau ca mổ đó là một bữa ăn tối đơn giản với chiếc bánh mì kẹp thịt ngay tại phòng làm việc và một giấc ngủ say đến tận trưa hôm sau”, Giáo sư Hoàng hóm hỉnh chia sẻ.
Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1987, bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng được phân công về Tổng cục Hậu cần và sau đó được nhận về làm việc tại một bệnh viện lớn trong Quân đội. Nhưng với tính cách sôi nổi và nhiệt huyết của mình, ông đã nộp đơn tình nguyện xin đi chiến trường Campuchia. “Ở thời điểm đó, Quân đội ta đang giúp bạn truy quét tàn quân Khmer đỏ ở các khu vực biên giới hoang vu. Mùa mưa là những bữa cơm gạo mốc triền miên. Mùa khô không có nước cho những sinh hoạt tối thiểu, tôi và đồng đội phải đi kiếm nước đọng từ những hố mìn, gạn đi gạn lại trong bát ăn cơm rồi thấm vào khăn để rửa mặt. Mìn nhan nhản khắp nơi”, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng nhớ lại.
“Thời đó, thương tật của bộ đội ta chủ yếu là do mìn. Có những ngày tôi cùng các bác sỹ trong bệnh xá đã phẫu thuật cho hàng chục thương binh. Nói là phẫu thuật cho đúng chuyên môn, nhưng thực tế khốc liệt là phải cắt cụt chi thể bị giập nát. Phòng mổ rất thô sơ, không có nước rửa tay, không có đèn mổ và cũng không đủ dụng cụ, bông băng gạc vô trùng. Quần áo thấm đẫm máu đồng đội; mệt mỏi và căng thẳng đến nỗi cơm chẳng muốn ăn mà chỉ thèm một giấc ngủ”, ông kể tiếp trong sự xúc động.
Hai năm ở chiến trường Campuchia (1987-1989) đã cho cho ông nhiều kinh nghiệm quý báu, nuôi dưỡng trong ông khát khao hàn gắn những nỗi đau về thể xác cho bộ đội và nhân dân, những người đã không may mất đi một phần cơ thể… Thời gian khốc liệt đó, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc đã tôi luyện cho ý chí, nghị lực của người bác sĩ quân y, giúp ông vượt qua những khó khăn, thách thức trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống sau này.
Từ chiến trường trở về, bác sĩ Hoàng trở lại công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông lao vào học tập và nghiên cứu chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình. Để có thể tiếp cận được các tài liệu về những thành tựu y học tiên tiến, đặc biệt là nền y học Đức - nơi luôn được xem là số 1 trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, ngoài tiếng Nga đã được học ở lớp chuyên ngữ từ thời còn là học sinh phổ thông, ông lại miệt mài học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.
Chỉ trong 5 năm (1989-1994), bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng đã tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 loại giỏi, đồng thời cùng lúc lấy chứng chỉ bằng C cả 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức; được nhận học bổng của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Khoa học Đức (DAAD) và được nhận sang làm nghiên cứu sinh tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar (Trường Đại học Tổng hợp Munich). Tại đây, năm 1997, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học với kết quả xuất sắc (Summa cum laude) và được nhà trường giữ lại làm trợ giảng cho đến năm 1999.
Từ chối lời mời ở lại Đức làm việc, ông trở về Việt nam tiếp tục công tác. Đến năm 2006, ông được phong học hàm Phó Giáo sư và sau đó được nhận học bổng Alexander von Humboldt để tiếp tục sang nước ngoài và thực hiện đề tài nghiên cứu mà ông đang thực hiện dang dở trước đó tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Sau gần 3 năm miệt mài nghiên cứu, đến tháng 9/2008, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học (Doctor of Science) với kết quả xuất sắc tại Trường Đại học tổng hợp Munich. Tháng 10/2008, ông được nhận học hàm Phó Giáo sư của trường Đại học tổng hợp Munich.
Nhận xét về người học trò Việt Nam yêu quý, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Edgar Biemer, Viện trưởng Phẫu thuật tạo hình và Phẫu thuật phục hồi của Bệnh viện Rechts der Isar, nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình Đức đã nói: "Tôi có rất nhiều học trò đến từ khắp các quốc gia trên thế giới, nhưng chưa có người nào để lại cho tôi nhiều ấn tượng như Bác sĩ Hoàng và cũng chưa có người nào đạt được những thành công vang dội như thế trong khoa học".
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình có cả ông bà nội và ông bà ngoại đều là những người làm nghề thuốc đông y. Cha ông - Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Trang, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Quân y 559 (Đường dây Trường sơn) thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ và sau này là Giám đốc Bệnh viện Quân y 105 cho đến khi nghỉ hưu. Cha chính là người đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng và cũng là một người đồng nghiệp lớn của ông.
Thửa nhỏ, dù không được gần gũi nhiều với cha khi cha ông phải đi chiến trường biền biệt nhưng hình ảnh về người cha thân thương là bác sĩ quân y luôn hiện hữu, trở thành tấm gương để Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng nỗ lực phấn đấu học tập và noi theo.
“Cha hướng tôi theo học ngành y, ủng hộ quyết định của tôi khi tôi xin đi chiến trường Campuchia để thử thách và trưởng thành. Cha tôi luôn lặng lẽ dõi theo tôi qua mỗi chặng đường với tình yêu thương vô bờ bến. Ông luôn mong nhìn thấy tôi khôn lớn và trưởng thành, vậy mà khi tôi thực sự trưởng thành thì người cha thân yêu của tôi đã không còn nữa! Đó là điều tiếc nuối lớn nhất, là nỗi day dứt khôn nguôi đối với tôi”, giọng Giáo sư Hoàng chùng xuống khi nhắc đến cha mình.
Hơn 30 năm miệt mài học tập, công hiến và nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng đã có khoảng 40 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ SCI/Scopus mà trong đó phần lớn ông là tác giả chính và khoảng 70 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước. Những công trình của ông đã được ứng dụng phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào, dịch chuyển các vạt tổ chức tự do ứng dụng vi phẫu thuật, điều trị các dị tật bẩm sinh chi thể phức tạp và ghép tạng.
Bên cạnh rất nhiều các giải thưởng khoa học cao quý trong nước và quốc tế như: Vifotec, Nepomuc von Nussbaum, Karl-Max von Bauerfeind, APKO..., Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và nhiều Bằng khen cấp bộ, năm 2012, ông đã được nhận Giải thưởng khoa học danh giá Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học…/.