Du lịch

Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của Đắk Lắk đến doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Đắk Lắk

Các doanh nghiệp đến từ hai địa phương Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đơn vị, nhu cầu kết nối, hợp tác.

Du khách trải nghiệm tour dã ngoại, leo núi Chư Yang Lắk ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 27/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk đến Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Sự kiện có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội nghị, đại biểu đã được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng. Hội nghị nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương trong quá trình phát triển du lịch; đầu tư, kết nối, khai thác du lịch, sản phẩm nông nghiệp; đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hai tỉnh, thành phố phát triển nhóm ngành kinh tế. Thông qua hội nghị nhằm thu hút các doanh nghiệp, lực lượng công nhân thuộc Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến Đắk Lắk du lịch.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Đắk Lắk là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú, với 41 di tích đã được xếp hạng, 3 bảo tàng, 225 cơ sở lưu trú du lịch, 27 khu/điểm du lịch; trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khảo sát, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm… Ngành Du lịch Đắk Lắk hy vọng sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong cả nước, thu hút lượng lớn du khách đến với tỉnh. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, huyện nằm trong không gian du lịch phía Đông của tỉnh, có Quốc lộ 26 chạy qua, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang đang triển khai xây dựng kết nối Đắk Lắk với Quốc lộ 1 và các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung. Huyện có hệ thống sông, suối, hồ đập lớn phân bổ đều khắp; có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Đồn điền CADA, Miếu thờ CADA), một di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh là thác Dray Dăng và nhiều danh lam thắng cảnh tiềm năng. Trên địa bàn huyện có 80 cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, homestay, có thể đón tiếp và phục vụ khoảng hơn 1.500 lượt khách trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, huyện còn có chuỗi quán ăn đặc sản, nhà hàng, các ngành nghề truyền thống, có 23 sản phẩm OCOP.

UBND huyện Krông Pắc kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát và đầu tư tại huyện với một số dự án như: Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái hồ Krông Búk Hạ; Khu du lịch sinh thái Điện ảnh - Moonlight Land; Khu du lịch thác Drai Dăng… Ngoài ra, huyện còn kêu gọi đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, lĩnh vực văn hóa giáo dục, thương mại. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để huyện giới thiệu những tiềm năng, điểm đến, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, đa dạng các loại hình du lịch, đưa huyện Krông Pắc trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Du khách đi bộ trên những triền đá núi lửa cổ xưa ở cụm thác Gia Long-Dray Nur, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đến từ hai địa phương Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đơn vị, nhu cầu kết nối, hợp tác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thiên Long cho biết, các công ty, doanh nghiệp thuộc các cụm, khu công nghiệp tại Thành phố rất quan tâm đến chính sách, nâng cao chất lượng đời sống của công nhân. Thông qua chương trình khảo sát, đại diện các doanh nghiệp sẽ lựa chọn những điểm đến, tour du lịch phù hợp, hấp dẫn tại tỉnh Đắk Lắk dành cho công nhân để kết nối trong thời gian tới.

Trước đó, từ ngày 25 - 27/8, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã tham quan các địa điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk như: Bảo tàng Thế giới Cà phê, Khu du lịch sinh thái Cộng đồng Ko Tam, điểm du lịch Trang trại Ca cao Nam Trường Sơn; khảo sát điểm di tích Đồn điền CADA và thăm các vườn cà phê, sầu riêng tại huyện Krông Pắc; trải nghiệm một số sản phẩm du lịch như: mô hình voi thân thiện, ngắm nhà cổ người Lào tại Buôn Đôn, dâng hương và tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, đạp xe đạp, trải nghiệm hoạt động chèo thuyền trên dòng sông Sêrêpốk…/.

Hoài Thu

Xem thêm