Các thành viên sáng lập dự án "Khánh Sơn Eco" mong muốn đưa đến cho du khách dịch vụ khép kín để có thể cảm nhận chân thực về lòng hiếu khách của người dân, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của địa phương.
TTXVN - Cảm nhận được tiềm năng, lợi thế và có niềm yêu thích vẻ đẹp của quê hương miền sơn cước Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), nhóm bạn trẻ "Khanh Son Eco" đã thiết lập dự án du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, kết hợp quảng bá nông nghiệp địa phương.
*Sứ mệnh phát triển quê hương
Vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, nhóm 4 bạn trẻ 9x gồm: Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Văn Kim Nhật Thạch, Lê Thị Phương Trinh và Vũ Kim Nhật Thành đã trở lại guồng công việc, cùng lên kế hoạch để đón khách du lịch mùa cao điểm của Khánh Hòa.
Đại diện nhóm bạn trẻ "Khanh Son Eco", Trưởng nhóm Phương Trinh cho biết, gần 2 năm nay, đồng bào người Raglai tại Khánh Sơn đã quen dần với hình ảnh từng đoàn du khách được “hướng dẫn viên bản địa” dẫn đến các điểm tham quan nổi tiếng như: Thác Tà Gụ, đồi thông, khu vực săn mây, nhà dài… Từ giữa năm 2022, "Khanh Son Eco" đón những vị khách đầu tiên đến tham quan, sử dụng sản phẩm dịch vụ. Năm 2023, mô hình đón hơn 1.500 du khách. Lợi nhuận tuy chưa cao nhưng đủ để các bạn tiếp tục xoay vòng vốn, đầu tư thêm vào cho dự án trong thời gian tới.
Các bạn trẻ "Khanh Son Eco" chủ yếu tập trung khai thác quảng bá, truyền thông qua mạng xã hội với các gói dịch vụ chất lượng. Hiện tại, dự án du lịch sinh thái Khanh Son Eco cơ bản có các hạng mục phục vụ khách du lịch như: Lều trại, phòng ngủ homestay, khu vực vui chơi, ăn uống… Đặc biệt, nhóm bạn trẻ đã tận dụng thác Tà Gụ gắn liền với truyền thuyết của người dân tộc Raglai để đem đến cho du khách những trải nghiệm mới như ngắm thị trấn Tô Hạp - nơi có con sông uốn lượn quanh co bao trọn cả thị trấn mộng mơ; những rẫy vườn sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, cam quýt… giữa thung lũng mây trắng.
Theo các thành viên sáng lập "Khánh Sơn Eco", dự án mong muốn đưa đến cho du khách dịch vụ khép kín để có thể cảm nhận chân thực về lòng hiếu khách của người dân, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của địa phương. Du khách sẽ được trải nghiệm trọn gói từ ăn, uống, cắm trại, khám phá thiên nhiên, cảnh sắc tươi đẹp của Khánh Sơn và qua đêm ở vùng đất cao hơn mực nước biển gần 1.000m.
Sau chuyến đi, nhiều du khách đã chia sẻ hình ảnh các cảnh đẹp của huyện miền núi Khánh Sơn và hành trình chuyến đi của mình lên các trang mạng xã hội. Họ đều khẳng định Khánh Sơn là miền đất đầy trải nghiệm thú vị. Họ được ăn cơm trưa độc đáo tại suối nước mát, có đàn cá bơi dưới chân massage, đồ ăn bản địa tươi mới, thơm ngon... Thú vị hơn là những hoạt động về đêm, du khách cùng nhau ngồi bên đống lửa, ca hát, ngắm sao và kể cho nhau nghe những truyền thuyết về đại ngàn Khánh Sơn….
Cùng với việc giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, "Khanh Son Eco" luôn cố gắng phát triển du lịch sinh thái cùng với nâng cao đời sống người dân. Vào đợt cao điểm khách du lịch tham quan, "Khanh Son Eco" làm việc cùng với người dân địa phương để có thêm homestay cho khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm thực tế văn hóa đại ngàn. Tại nhà dân, du khách được trải nghiệm thực tế không gian văn hóa, cùng ăn, cùng ngủ với người đồng bào Raglai hoặc người dân sinh sống lâu đời tại đó. Hoạt động giúp người dân bản địa có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Nhóm đang cố gắng để người dân thay đổi tư duy, chuyển từ làm nông sang làm du lịch và biết kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; đặc biệt, vận động người dân bảo tồn, phát huy những nét văn hóa của người Raglai. Đàn đá Khánh Sơn và cồng chiêng Mã La là những giá trị văn hóa mà nhóm mong muốn lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới”, Phương Trinh khẳng định.
Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn khẳng định, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng phát triển Khánh Sơn thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Định hướng này được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở này, huyện Khánh Sơn triển khai các hoạt động nhằm phát triển tối đa lợi thế có sẵn như văn hóa truyền thống, tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững. Huyện luôn ủng hộ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm về du lịch, trong đó có "Khanh Son Eco". Từ đây, các đơn vị làm nên các sản phẩm du lịch quảng bá Khánh Sơn, đặc biệt là du lịch đặc trưng của huyện, giúp huyện ngày càng phát triển hơn.
*Dùng sức trẻ làm du lịch sinh thái
Để làm được dự án có hiệu quả như hiện nay, nhóm "Khanh Son Eco" đã có chặng đường dài khó khăn. Những ngày đầu, Trưởng nhóm Phương Trinh là người đưa ra ý tưởng quay phim, chụp ảnh để quảng bá quê hương. Sau đó, các thành viên cùng chung chí hướng nhanh chóng gia nhập và kết nối thành một đội nhóm bền vững. Ở "Khanh Son Eco", mỗi thành viên đảm nhận một công việc khác nhau theo thế mạnh của mình. Mọi người cùng tập trung chia sẻ đến xã hội và du khách những hình ảnh đẹp, thước phim hay về thiên nhiên Khánh Sơn; các điểm đến thú vị, dịch vụ thiết yếu cho du khách (nơi ăn, nghỉ ngơi…); cập nhật các thông tin du lịch của tỉnh cũng như địa phương…
Phương Trinh cho biết, từ nay đến năm 2025, nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện đội ngũ nhân sự, đào tạo thêm lao động địa phương, đặc biệt là người đồng bào để họ có công việc ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; sau đó, bổ sung thêm cơ sở vật chất, phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, nhóm sẽ tăng cường giới thiệu về nông sản "Khanh Son Eco" tại địa phương như: mít, măng cụt, sầu riêng.
Anh Nguyễn Văn Kim Nhật Thạch, thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B (dịch vụ ẩm thực) chia sẻ về món thịt heo (lợn) gác bếp của nhóm: Đây là món ăn bản địa với gia vị đặc trưng miền núi, được nhóm phát triển công thức và thương mại. Trước mắt, thực phẩm này được làm theo phương pháp thủ công, lượng hàng hóa sản xuất còn ít, chỉ đủ cung ứng tại chỗ. Tương lai, nhóm cố gắng phát triển bài bản, chất lượng và đưa vào thị trường lớn để nhiều người cùng biết về đặc sản của miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
"Nhóm sáng tạo nên giá trị - chuyên nghiệp - tận tâm, để mỗi sản phẩm dù là du lịch, nông nghiệp hay các giá trị văn hóa khi đến với du khách đều tạo nên những ấn tượng sâu sắc, khó quên. Mỗi du khách đến với Khánh Sơn chính là những đại sứ du lịch, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương mình đến với bạn bè của họ. Nhóm mong rằng, với những giá trị hiện có của quê hương cùng quyết tâm của nhóm, sự mến khách của người dân địa phương cũng như sự yêu thích khám phá của khách du lịch, Khánh Sơn sẽ sớm có vị trí thích hợp trên bản đồ du lịch của tỉnh Khánh Hòa”, Kim Thạch chia sẻ.
Dự án du lịch sinh thái gắn bảo tồn giá trị văn hóa, quảng bá nông sản của "Khanh Son Eco" không chỉ đi vào thực tế, mang lại lợi nhuận và góp phần đổi thay một vùng quê Khánh Sơn mà còn đại diện cho thế hệ trẻ Khánh Sơn tham gia Cuộc thi “Cuộc đua khởi nghiệp” lần thứ 2 - năm 2023, đạt giải Nhất chung cuộc. Với kết quả này, nhóm các bạn trẻ càng tự tin hơn vào con đường, kế hoạch mà bản thân chọn lựa và tiếp tục cống hiến nhiều hơn; không chỉ làm du lịch mà phát triển toàn diện các ưu thế sẵn có của miền sơn cước Khánh Sơn - nơi được du khách đặt cho danh xưng Đà Lạt thứ 2.
Chị Mộng Mơ, Bí thư Huyện Đoàn Khánh Sơn cho biết: "Khanh Son Eco" là nhóm bạn trẻ bản lĩnh, có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm; góp phần tạo động lực, dẫn đến hành động tích cực cho nhiều bạn trẻ tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn, nhiều bạn trẻ làm kinh tế du lịch, dịch vụ có hiệu quả và tạo nguồn thu bền vững; từ đó, phát triển rộng mô hình. "Khanh Son Eco" đã giúp thu hút du khách đến với Khánh Sơn, giúp quảng bá những nông sản, đặc sản của địa phương. Huyện Đoàn Khánh Sơn sẽ luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp, trong đó có nhóm bạn trẻ "Khanh Son Eco" với hy vọng trở thành mô hình điểm để nhân rộng, phát triển kinh tế địa phương ngày một nâng cao./.
- Từ khóa:
- Giới trẻ
- Khánh Hòa
- du lịch bản địa