Xã hội

Giúp hàng ngàn hộ dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách

Thừa Thiên Huế

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Trực ở xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. 
Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Thông qua nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, hàng ngàn hộ dân ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu với nhiều mô hình hiệu quả.

*Khởi nghiệp từ nguồn vốn chính sách

Với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh Nguyễn Văn Trực ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình trang trại tổng hợp, mang lại hiệu quả và trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Thông qua Hội nông dân, từ năm 2021 - 2023, gia đình anh đã vay 160 triệu đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hành chính sách xã hội để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà thương phẩm và trồng 0,5 ha bưởi da xanh. Để tăng thêm thu nhập, gia đình anh còn chế biến và cung cấp ra thị trường sản phẩm khô gà lá chanh.

Cán bộ ngân hàng Chính sách xã hội tư vấn cho người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
 Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Anh Nguyễn Văn Trực chia sẻ, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi gia đình anh đầu từ xây dựng 6 ô chuồng trại, mỗi lứa thả nuôi khoảng 800 – 1.000 con gà thương phẩm theo hình thức gối đầu. Trung bình mỗi tháng cho thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền đã tạo "điểm tựa" cho gia đình anh cũng như nhiều hộ nông dân phát triển sinh kế với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.

Với lợi thế của xã vùng gò đồi, quỹ đất khá đồi dào, những năm qua Hội Nông dân xã Phong Xuân đã vận động, tuyên truyền các hộ nông dân phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Hội phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Nhiều mô hình, trang trại đã mang hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm hội viên.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Xuân cho biết, hiện nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội ở xã là hơn 33 tỷ đồng với hơn 560 hộ vay; trong đó, Hội quản lý 6 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 8 tỷ đồng và 130 hộ vay.  Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp đỡ nhiều hội viên nông dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, đời sống ngày càng đi lên. Đặc biệt, nhiều hộ đầu tư phát triển một số cây, con chủ lực như trồng rừng kinh tế, bưởi da xanh, phát triển cây dược liệu; mô hình vườn ao chuồng … trở thành hộ khá, giàu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền Trương Diên Hùng thông tin, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo cầu nối giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận tiện nhất. Hiện nay ở huyện, nguồn vốn ủy thác qua Hội đạt 129 tỷ đồng với hơn 3.000 hội viên nông dân vay vốn. Ông Trương Diên Hùng hy vọng, trong thời gian tới, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên nông dân tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đưa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển.

*Nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Mô hình phát triển cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế ở vùng gò đồi huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế được hình thành nhờ nguồn vốn chính sách xã hội. 
Ảnh: Tường Vi – TTXVN

Hiện nay, ở huyện Phong Điền đã triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Hằng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền có chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình, quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân, quy mô mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên và duy trì bền vững, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được nhân rộng.

Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách ở huyện Phong Điền đạt gần 570 tỷ đồng với 11.000 khách hàng được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp nhiều hộ dân có thêm vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa đạt chuẩn quốc gia; hàng trăm ngôi nhà được xây mới khang trang. Đặc biệt, hằng năm, nguồn vốn tín dụng đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền Trương Công Huy cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho người dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn vị sẽ tập trung, chú trọng đến xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình để nhân rộng; tiếp tục quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm phát triển bền vững hoạt động tín dụng chính sách ở huyện./.

Nguyễn Thị Tường Vi

Tin liên quan

Xem thêm