Ban Kinh tế Trung ương giám sát về thực hiện nguồn vốn chính sách tại Sóc Trăng
Qua 9 năm thực hiện, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với doanh số cho vay 8.808 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm.
TTXVN - Ngày 7/6, Đoàn giám sát do ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Cẩm Đào, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, lãnh đạo các sở, ban ngành, đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng dự buổi làm việc,
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua đó, địa phương thực hiện hiệu quả chỉ tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và bộ mặt nông thôn được cải thiện.
Tính đến 31/5/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.637 tỷ đồng, tăng 2.389 tỷ đồng, tương đương tăng 2,06 lần so với năm 2014. Ngân hàng Chính sách xã hội đang theo dõi và quản lý là 152.367 khách hàng, chiếm 45,86% số hộ dân toàn tỉnh được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nợ quá hạn và nợ khoanh 329 tỷ đồng, chiếm 7,09% trên tổng dư nợ.
Hoạt động giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả và năng lực hoạt động. Toàn tỉnh có 109 điểm giao dịch xã tại các xã, phường, thị trấn giải quyết trên 95% khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng.
Qua 9 năm thực hiện, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với doanh số cho vay 8.808 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm. Toàn tỉnh có hơn 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 36.801 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, 260.027 lao động được tạo việc làm, xây mới, sửa chữa 145.505 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng 30.228 nhà ở hộ nghèo….
Tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn đánh giá cao việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi ở tỉnh Sóc Trăng. Các đại biểu trao đổi thảo luận một số nội dung: việc tiếp cận nguồn vốn chính sách, công tác kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn vay của các hội đoàn thể, huy động vốn tiền gửi tiết kiệm, các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng…
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng; nâng mức cho vay tối đa đối với các chương trình như, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình tăng 20 triệu đồng/công trình; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm giao bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hàng năm tăng trưởng từ 10% - 15%; trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các khu công nghiệp.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao công tác triển khai thực hiện huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và tiếp thu những kiến nghị của địa phương đến với đoàn giám sát.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý tỉnh tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội nhằm đưa Sóc Trăng thành một trong những tỉnh mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục bố trí nguồn vốn ủy thác, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nguồn vốn chính sách. Đặc biệt, tỉnh có giải pháp hỗ trợ cho các gia đình (vừa mới thoát nghèo) ở vùng khó khăn được vay vốn tiếp tục, không để gián đoạn nguồn vốn nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Trước đó, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương đã đến giám sát thực tế tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách về tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư./.