Quốc hội với Cử tri

Trung ương và địa phương cùng đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ

Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương có hạn, địa phương bố trí được nguồn vốn để cùng với Trung ương thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, rất quan trọng và rất phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi những chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kịp thời hoàn thành công trình hạ tầng giao thông chiến lược, hiện đại, an toàn, để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng, đóng góp hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế.

Bối cảnh nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự đồng hành, ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, toàn ngành Giao thông Vận tải đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, qua đó đã cơ bản triển khai hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ đề ra. Điển hình như công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã đạt trên 96,5 % kế hoạch; 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông Vận tải cơ bản được đảm bảo, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc từ đầu nhiệm kỳ, nâng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng là 1.729 km. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc nằm trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ được giao và sẽ khởi công trong cuối tháng 6/2023 theo đúng kế hoạch.

Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ngành cần phải tập trung quyết liệt xử lý, tháo gỡ như tai nạn giao thông tuy đã được kéo giảm nhưng vẫn ở mức cao. Sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ, hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, ông mới chỉ có hơn 7 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội chính là động lực, là hành trang tri thức giúp ông cùng ngành Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân

Chất vấn Bộ trưởng, đề cập đến một số tuyến quốc lộ (thẩm quyền và trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải) bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: “Một số tỉnh đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng các tuyến đường này để phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho Trung ương quản lý. Tôi xin hỏi Bộ trưởng quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, các tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm của địa phương.

“Nguồn ngân sách có hạn, nhiều đường lại xuống cấp. Ngân sách Trung ương một năm Bộ Giao thông Vận tải được giao chỉ đáp ứng được khoảng 66%. Nhiệm kỳ này yêu cầu cần 462.000 tỷ đồng để đầu tư, ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng và con số này cũng đã là rất lớn. Tuy nhiên, không thể đáp ứng được ngân sách để đầu tư các tuyến đường, đặc biệt là quốc lộ. Chúng ta có tới gần 25.000 km quốc lộ”, Bộ trưởng nói.

Vì thế, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương có hạn, địa phương bố trí được nguồn vốn để cùng với Trung ương thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, rất quan trọng và rất phù hợp.

Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, vừa qua, rất nhiều địa phương có đề nghị tương tự. Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp và trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép địa phương có thể bố trí nguồn vốn tham gia cùng ới nguồn ngân sách Trung ương để triển khai các dự án xây dựng quốc lộ, đường cao tốc. Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đường bộ sửa đổi sắp tới trình Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề cập: Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân được triển khai từ năm 2005, hiện đang bị dừng. Sau 18 năm thi công với gần 60% kinh phí đã được thực hiện, dự án đang rơi vào tình trạng “cầu chờ đường, đường chờ đổ đá, lắp ray”, gây lãng phí rất lớn, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nơi mà dự án đi qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bộ trưởng Giao thông Vận tải thẳng thắn “Dự án đường sắt này là một sự nhức nhối của cử tri, nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Khi giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tôi đã đề nghị rất nhiều lần với Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị rất nhiều lần phải cho triển khai tiếp”.

Theo Bộ trưởng, dự án này triển khai từ năm 2005, do khó khăn về kinh tế, nên dừng lại vào năm 2011, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Hiện nay, dự án này đang triển khai dở dang.

Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và tính toán rất kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến của tư vấn và thấy rằng tuyến này vẫn rất cấp thiết. Vì thế, Bộ đã tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Kết luận 49 của Bộ Chính trị đã yêu cầu tuyến đường sắt này phải được triển khai trước năm 2030.

Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn như thế nào cho tuyến này, đây là vấn đề khó khăn nhất. “Cơ bản về mặt ý chí, chúng tôi rất ủng hộ việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị mới ban hành”, Bộ trưởng khẳng định./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm