Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Chi ngân sách cho khoa học công nghệ căn cứ vào hiệu quả đầu ra

Về việc bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

TTXVN - Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời, làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Thông tin về việc bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%.

Về quyết toán chi ngân sách, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ (Nghị định 95). Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 27), theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách.

Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Đối với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

"Việc kiểm soát chi này chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc, điều đó có nghĩa là chúng ta đã rất mở trong quá trình thực hiện vấn đề khoán chi trong lĩnh vực khoa học công nghệ", Bộ trưởng làm rõ thêm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay có tồn tại là quy trình tuyển chọn, giao đề tài và nhiệm vụ nghiên cứu còn phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, việc thực hiện đang theo hướng không giao khoán mà chi theo hồ sơ chứng từ, thực thanh, thực chi. Điều này gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đặc biệt là đối với các nhà khoa học khi thực hiện thanh toán sẽ cảm thấy rất phiền phức.

Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để sửa Nghị định 95 và Thông tư 27 cho phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý và nhân dân nhằm đảm bảo tính thông thoáng, chủ động; căn cứ vào kết quả sản phẩm và hiệu quả của công việc để thực hiện chi cho khoa học công nghệ.

Liên quan đến cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn theo hướng quản lý sản phẩm đầu ra và hiệu quả của nghiên cứu khoa học. Cụ thể là đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng. Việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn, tránh vấn đề như về chấm công, chi phí vật tư, chi phí máy móc thiết bị, chi phí hội nghị, công tác...

Theo Bộ trưởng, những vấn đề này giao cho đơn vị chủ trì và chủ đề tài thực hiện sẽ tốt hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu.

Đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài nhà nước, để phát huy được tính sáng tạo, sáng kiến và đặc biệt là các phát minh, cần có cơ chế thưởng, hỗ trợ, mua lại phát minh và sáng kiến; cơ chế về chuyển giao và ứng dụng đề tài khoa học cụ thể. "Ví dụ như cơ chế hỗ trợ, khi có rủi ro thì ngoài chi phí tiêu hao chúng ta có thể thu hồi lại những máy móc, thiết bị đã mua sắm về cho nhà nước...", Bộ trưởng nêu ví dụ.

Ở bộ phận doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng nhóm này luôn quan tâm, chú trọng vấn đề nghiên cứu khoa học, bởi có nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thì mới có thể phát triển sản phẩm, từ đó hạ được giá thành và có sức cạnh tranh. Đây là vấn đế sống còn với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc muốn tạo sự bứt phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì một trong những yếu tố tiên quyết là cần phải có nhân tài, song Bộ trưởng cũng phân tích: Muốn có nhân tài thì phải tạo được môi trường để họ cống hiến tốt. Do đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách hết sức phù hợp, thu hút được nguồn lực xã hội để đảm bảo những sáng kiến, sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học được phát huy tối ưu nhất./.

Hiền Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm