Chỉ đạo, Điều hành

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Phải có kiến thức, đồng bào mới đồng lòng

Theo Bộ trưởng, nếu bà con không nhận thức được, không tiếp nhận được chính sách và nguồn lực, không đồng lòng, không cùng Nhà nước làm, sẽ không thành công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn sáng 7/6. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


TTXVN - Sáng 7/6, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải thích nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, công tác đào tạo, giáo dục và tuyên truyền. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phải có kiến thức, đồng bào mới đồng lòng".

*Học tập, sử dụng, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi tại Hội trường. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề dân tộc, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, ngôn ngữ, tiếng nói của một dân tộc là tài sản vô giá của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người các dân tộc không dùng, thậm chí là không biết tiếng của dân tộc mình. "Quan điểm của Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc trước hiện tượng này và Bộ trưởng có biện pháp gì để làm tốt hơn việc học tập, sử dụng và gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc? "- đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận, thực tế đang tồn tại vấn đề này. Nhiều người dân tộc thiểu số nhưng không biết tiếng nói, chữ viết của mình, nhất là đội ngũ cán bộ.

Nêu giải pháp đối với tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, trong đó có Nghị định 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc học và nói chữ viết trong cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong Dự án 5 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg) có nội dung đào tạo cho đội ngũ cán bộ tiếng nói, chữ viết của người dân tộc. Người dân tộc thiểu số cũng có những chính sách để hỗ trợ cho học sinh học về chữ viết của dân tộc mình, tuy nhiên, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên, thiết kế chương trình để dạy tiếng nói, chữ viết trong các trường học và cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh và cho biết Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các dự án này.

Cho rằng đó là những giải pháp lâu dài, tuy nhiên theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự hào, tôn trọng phong tục tập quán, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết của mình...

*Có kiến thức, đồng bào mới đồng lòng

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu câu hỏi: Theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy Ban Dân tộc về việc đào tạo dự bị đại học, đại học thực hiện theo quy trình khép kín từ dự bị đại học lên đại học và được thực hiện theo phương thức ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục đại học với nguồn kinh phí ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong là hết sức khó khăn. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên như thế nào? Với phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng, giải pháp nào để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo nói trên?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, với chính sách tuyển dụng người dân tộc thiểu số hiện nay, các bộ, ngành đang ưu tiên bố trí tuyển dụng người dân tộc thiểu số.

Giải pháp trong thời gian tới là cần có chính sách đặc thù về tuyển dụng công chức, viên chức, phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số. Nhiệm vụ này Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thực hiện.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) về vấn đề trăn trở nhất trong công tác dân tộc, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định, đó là hoàn thiện chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bộ trưởng chia sẻ, bản thân ông là người dân tộc thiểu số, có quá trình công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các lĩnh vực công tác đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù có chính sách đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu nhưng nếu bà con không nhận thức được, không tiếp nhận được, không đồng lòng, không cùng Nhà nước làm, sẽ không thành công.

“Để giải quyết vấn đề này không gì hơn là phải tuyên truyền, giáo dục. Bà con phải biết về kiến thức, biết tiếng Việt, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, cộng với sự hỗ trợ của nhà nước… Tất cả tích hợp lại mới giải quyết được vấn đề”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh./.


Đỗ Bình

Xem thêm