Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Trường Chính trị Lê Duẩn đạt các tiêu chí chuẩn
Quảng Trị đã tổ chức được nhiều loại hình phù hợp, thiết thực với từng nhóm cán bộ trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
TTXVN - Chiều 6/6, Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Trị.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã báo cáo một số nét nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng.
Tỉnh đã tổ chức được nhiều loại hình phù hợp, thiết thực với từng nhóm cán bộ trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ theo tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch và vị trí việc làm, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ được quy hoạch.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2020 - 2023, Tỉnh ủy Quảng Trị đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III, Đà Nẵng cử 277 đồng chí đi học Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung; cử 10 đồng chí đi học lớp hoàn chỉnh chương trình Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; mở 2 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tại Trường Chính trị Lê Duẩn với 149 học viên. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở 19 lớp (với 1.034 học viên), trong đó có 16 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ tại tỉnh, ba lớp dành cho cán bộ hai tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào).
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Quảng Trị đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng Đề án “Phát triển tổng thể Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kết quả rà soát thực trạng các tiêu chí chuẩn mức 1, Trường Chính trị Lê Duẩn đạt 42/55 tiêu chí; chuẩn mức 2 đạt 37/65 tiêu trí.
Thời gian tới, để hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn, tỉnh sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: tập trung phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm thực hiện nhiệm vụ được giao; đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn làm cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tỉnh tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ khoa học trong quản lý, đào tạo, bồi dưỡng để triển khai mô hình giáo dục tích cực; bố trí nguồn lực, cơ chế, phù hợp để trường hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: công nhận trường chính trị đạt chuẩn mức 1 vào năm 2025 và xây dựng Trường Chính trị Lê Duẩn tại vị trí mới; hỗ trợ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp, các thành viên trong Đoàn công tác đã đóng góp một số ý kiến về các giải pháp để tỉnh sớm đạt được mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những kết quả nổi bật mà tỉnh Quảng Trị đã đạt được; nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tỉnh cần chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, chú trọng đào tạo, quy hoạch, sắp xếp cán bộ dựa trên các tiêu chí đã đề ra.
Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên sản phẩm, kết quả làm việc và sự tín nhiệm; tạo động lực cho cán bộ thấy được nhu cầu cần bồi dưỡng, đào tạo. Quảng Trị cần sớm phê duyệt Đề án Phát triển tổng thể Trường Chính trị Lê Duẩn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong thời gian sớm nhất để có cơ sở thực hiện. Mặt khác, Trường Chính trị Lê Duẩn khắc phục một số hạn chế trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng với ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Lê Duẩn…/.