Tạo thuận lợi, giảm chi phí thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cắt giảm tổng số 23 thủ tục hành chính thuộc 6 lĩnh vực. Tổng chi phí tiết kiệm được trên 253 triệu đồng/năm.
TTXVN - Theo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ cắt giảm tổng số 23 thủ tục hành chính thuộc 6 lĩnh vực (dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp; dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ; dịch vụ đánh giá sự phù hợp; quản lý khoa học và công nghệ; nhập khẩu phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư). Tổng chi phí tiết kiệm được trên 253 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý là ngành nghề kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp không chỉ có số lượng thủ tục cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất (8 thủ tục), mà còn có mức chi phí tiết kiệm được rất lớn. Đứng đầu là thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm.
Theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra, trường hợp tổ chức thử nghiệm đã được công nhận đối với toàn bộ phạm vi đăng ký thử nghiệm chỉ cần nộp bản sao chứng chỉ công nhận kèm theo phạm vi được công nhận. Trường hợp tổ chức thử nghiệm đã được công nhận nhưng phạm vi đăng ký hoạt động thử nghiệm rộng hơn phạm vi được công nhận, sẽ nộp bản sao chứng chỉ công nhận kèm theo phạm vi được công nhận và bản công bố năng lực thử nghiệm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành đối với phạm vi chưa được công nhận. Tổ chức thử nghiệm chưa được công nhận sẽ nộp bản công bố năng lực thử nghiệm phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 hoặc tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với thử nghiệm chuyên ngành.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đối tượng của hoạt động thử nghiệm rất rộng, gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau và sẽ có các phép thử, phương pháp thử tương ứng cho từng loại sản phẩm, hàng hóa. Để bảo đảm kết quả thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm sẽ phải xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tương ứng và theo chuẩn mực quốc tế (ISO/IEC 17025). Như vậy, hệ thống tài liệu, quy trình phải nộp trong hồ sơ đăng ký nhiều, tổ chức mất thời gian để chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Do đó, có thể đơn giản hóa thành phần hồ sơ (giảm tài liệu phải nộp trong hồ sơ đăng ký), nâng cao trách nhiệm của các tổ chức thử nghiệm, tăng cường công tác hậu kiểm.
Bộ này bãi bỏ nội dung phải nộp danh sách thử nghiệm viên trong hồ sơ đăng ký và mẫu danh sách thử nghiệm viên trong Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 154/2018/NĐ-CP (về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành).
Lý giải việc bãi bỏ nội dung này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, cơ quan thẩm định hồ sơ sẽ căn cứ vào các bằng cấp, chứng chỉ đào tạo của thử nghiệm viên để xem xét, đánh giá việc có đáp ứng điều kiện hay không, nên có thể đơn giản hóa, bỏ quy định phải nộp danh sách thử nghiệm viên trong hồ sơ đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức thử nghiệm, giảm thời gian phải kê khai danh sách thử nghiệm viên theo biểu mẫu.
Biểu mẫu đơn đăng ký hoạt động thử nghiệm và biểu mẫu giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm được đơn giản hóa để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân đăng ký.
“Đối tượng của hoạt động thử nghiệm rất rộng, gồm nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau. Tuy nhiên, một phép thử có thể được thực hiện trên nhiều loại sản phẩm, hàng hóa, ví dụ phép thử ‘định lượng E.Coli’ có thể được thực hiện trên thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, nước sạch, nước sinh hoạt... Do đó, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai đầy đủ danh mục sản phẩm, hàng hóa, chỉ tiêu thử nghiệm, phương pháp thử sẽ dẫn đến mất thời gian cho tổ chức, cá nhân”, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin.
Thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm có tổng chi phí tuân thủ trước khi cắt giảm, đơn giản hóa là 304,7 triệu đồng/năm. Sau khi cắt giảm, đơn giản hóa, mức chi phí tuân thủ còn 241,4 triệu đồng/năm, tiết kiệm được 63,28 triệu đồng/năm (tỷ lệ cắt giảm chi phí là 20,7%).
Thủ tục có tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ cao nhất trong ngành nghề kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp là thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, với tỷ lệ cắt giảm 22,2% (chi phí tuân thủ trước khi cắt giảm, đơn giản hóa là 173 triệu đồng/năm, sau khi cắt giảm còn 134,58 triệu đồng/năm). Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa tương tự như thủ tục cấp bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm.
Trong lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, hai thủ tục hành chính cùng có mức cắt giảm chi phí 47,3 triệu đồng (6,62%), đó là thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ (mã thủ tục hành chính 1002145) - thủ tục hành chính cấp Trung ương và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ (mã thủ tục hành chính 1001786) thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Các thủ tục này được cắt giảm, đơn giản hóa theo hướng bỏ thành phần hồ sơ “Sơ yếu lý lịch”, quy định tại điểm c khoản 4 Điều 6 Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN (hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ); bỏ các thông tin về ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú tại đơn đề nghị được làm việc chính thức, đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm, do các thông tin này có thể tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, bổ sung thông tin số căn cước công dân trong tại đơn đề nghị được làm việc chính thức, đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm. Tổng chi phí tuân thủ truớc khi cắt giảm, đơn giản hóa của các thủ tục này là 714,6 triệu đồng/năm, sau khi cắt giảm còn 667,3 triệu đồng/năm.
Đánh giá của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME/USAID) trong báo cáo cuối kỳ đánh giá và kiến nghị về dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa được thiết kế theo hướng bãi bỏ quy định về yêu cầu điều kiện, thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ và chế độ báo cáo, thể hiện tinh thần cải cách theo hướng thực chất của Bộ Khoa học Công nghệ.
Đánh giá cụ thể đối với một số đề xuất trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa, Nhóm tư vấn Dự án cho biết, hồ sơ yêu cầu cấp/cấp lại thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp yêu cầu người nộp đơn phải cung cấp “bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện nghiệp vụ làm giám định viên sở hữu công nghiệp do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra cấp”. Trong khi loại tài liệu này do chính Cục Sở hữu trí tuệ phát hành nên không cần thiết phải yêu cầu nộp đơn cung cấp bản sao. Việc sửa đổi này dẫn đến những thay đổi về yêu cầu, điều kiện và hồ sơ của thủ tục hành chính, giúp đơn giản hóa hồ sơ yêu cầu cấp, cấp lại thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp khi người nộp đơn không cần phải nộp bản sao giấy chứng nhận trên. Tuy nhiên, do thủ tục này kể từ khi được ban hành đến nay mới chỉ thực hiện cấp thẻ cho 4 cá nhân nên hiệu quả cắt giảm, đơn giản hóa nếu tính theo số liệu thực tế không cao (trung bình 10 hồ sơ/năm).
Về việc loại bỏ yêu cầu cung cấp “bản sao thông báo đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức” trong hồ sơ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, Nhóm tư vấn cho rằng, bản sao thông báo đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức là tài liệu do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành và Cục cũng đã có đủ cơ sở dữ liệu, thông tin quản lý về việc người nộp đơn đạt hay không đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp nên người nộp đơn không cần phải nộp thêm.
Nhóm này kiến nghị sửa đổi Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN theo hướng bãi bỏ quy định cung cấp bản sao trên. Việc sửa đổi này dẫn đến những thay đổi về yêu cầu, điều kiện và hồ sơ của thủ tục hành chính, giúp đơn giản hóa hồ sơ yêu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi người nộp đơn không cần phải nộp Bản sao thông báo đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức. Tuy nhiên, tác động đến giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp không lớn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, số lượng phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa còn rất nhỏ so với số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Bộ thống kê, chưa đáp ứng mục tiêu về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định chi phí tuân thủ từ 10 - 15% theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra năm 2021. Nhóm tư vấn đề nghị Bộ cân nhắc bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến Luật Khoa học và công nghệ, các văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa các thủ tục sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ; bổ sung quy định về việc sử dụng quỹ cho mục tiêu đổi mới sáng tạo, đổi mới quy trình quản trị. Điều chỉnh quy định, hướng dẫn nộp Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia…/.