Chính phủ hành động

Đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an

Cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực: Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy xử lý vụ cháy quán karaoke tại phố Quan Hoa, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

TTXVN - Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt tại Quyết định số 641/QĐ-TTg.

Theo Phương án này, sẽ cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong 2 lĩnh vực: Quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy, đều có lộ trình thực hiện trong năm 2023.

Trong đó, lĩnh vực quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có 2 nhóm thủ tục và 1 yêu cầu điều kiện. Đối với nhóm thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (gồm thủ tục thực hiện tại cả 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện), phương án đơn giản hóa là bãi bỏ quy định yêu cầu nộp "Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; và bổ sung quy định này trong văn bản đề nghị của tổ chức cung cấp thông tin cơ bản về các loại giấy chứng nhận nêu trên (sửa đổi, bổ sung Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP) để có cơ sở kiểm tra, đối chiếu.

Lý do cắt giảm, đơn giản hóa là do khi kết nối, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ quan Công an có thể khai thác được những thông tin trên.

Đối với nhóm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (gồm thủ tục thực hiện ở cả 3 cấp trung ương, tỉnh, huyện), phương án đơn giản hóa là bổ sung các thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp trong "Văn bản đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh" (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP). Các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bản giấy theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì yêu cầu nộp bản giấy để thu hồi khi thực hiện thủ tục cấp đổi.

Cơ sở kinh doanh cần cung cấp thông tin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong văn bản đề nghị, cơ quan Công an thực hiện tra cứu, kiểm tra hồ sơ lưu trữ. Đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (bản giấy) thì nộp cho cơ quan Công an để thu hồi khi thực hiện thủ tục cấp đổi; ngăn chặn việc cho thuê, cho mượn hoặc tranh chấp tư cách pháp nhân liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và gây ảnh hưởng đến công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Bộ Công an cũng sẽ đơn giản hóa điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo hướng, bãi bỏ quy định người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký địa điểm kinh doanh.

Bộ Công an cho biết, hiện nay, Cơ sở dữ liệu dân cư đã được cập nhật thường xuyên đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Việc đơn giản hóa quy định là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; các cơ quan quản lý nhà nước cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục "tiền kiểm" tăng cường "hậu kiểm", nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Ngoài ra, thực tiễn phát sinh những trường hợp có nhu cầu thực hiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng không đáp ứng được điều kiện có 5 năm thường trú để thực hiện thủ tục này đã "thuê người dân" tại địa phương đứng tên đăng ký kinh doanh càng gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý.

Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, nhóm thủ tục được đơn giản hóa là Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh). Nội dung phương án đơn giản hóa là bãi bỏ quy định nộp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời bãi bỏ quy định nộp bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, hồ sơ thiết kế đã được đóng dấu thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trước đó. Cơ quan Công an sẽ tự khai thác hồ sơ quản lý.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công an chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị bằng văn bản, gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đối với các luật, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được thông qua tại Quyết định số 641/QĐ-TTg.

Theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP (ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025), giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Theo đó, đến tháng 5/2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm