Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, chuyển đổi phương thức làm việc từ thủ công, giấy tờ sang môi trường số, công khai, minh bạch, cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ.
TTXVN - Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã nêu các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
Với mục tiêu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các chiến lược, chương trình về cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Trong đó xác định, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước từ thủ công, giấy tờ sang môi trường số, công khai, minh bạch và cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ, hình thành công chức điện tử, công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, nhiều văn bản quy phạm quan trọng tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử… Đáng chú ý là Nghị quyết số 68/NQ/CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020–2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, các quy định kinh doanh được thống kê, hệ thống hóa tập trung trên môi trường điện tử, tạo lập cơ sở dữ liệu để hỗ trợ rà soát, phát hiện các quy định còn chồng chéo, qua đó đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa, đồng thời công khai các quy định kinh doanh phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm kiếm thông tin.
Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định về kinh doanh, 149 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi. Trong đó, các bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản quy phạm pháp luật. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông...
Nhằm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách các quy định này, năm 2021, dưới sự hỗ trợ của dự án USAID/LinkSME, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập kênh tương tác hai chiều trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Đây là công cụ giúp người dân, doanh nghiệp góp ý các quy định kinh doanh dự kiến ban hành, theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến của bộ, ngành. Đồng thời, tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy định kinh doanh hiện hành, hỗ trợ tổng hợp, phân tích dữ liệu phản ánh, kiến nghị, giúp phát hiện vấn đề còn tồn tại, bất cập để có phương án giải quyết xử lý, khơi thông, bãi bỏ các quy định là rào cản hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, đã có 153 quy định kinh doanh dự kiến ban hành tại 29 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 50 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp đã đăng ký tài khoản, gửi ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và gửi vướng mắc, đề xuất về quy định kinh doanh tới các bộ, ngành. Các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là những đơn vị tích cực tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh…
Việc quản lý, theo dõi quá trình thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được đưa lên môi trường điện tử, giúp các bộ, cơ quan và người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của từng bộ, ngành theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với người dân, doanh nghiệp thông qua việc lắng nghe, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Một số báo cáo của Hội đồng xây dựng với nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp được đánh giá cao, giúp các bộ, ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh./.