Mục tiêu của việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” là hiện thực hóa quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân ở cấp cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân; người dân là vai trò chủ thể còn chính quyền cơ sở phục vụ người dân.
TTXVN - Sau hai năm triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại tỉnh Bắc Giang đã bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2023, địa phương tiến hành chấm điểm, gắn sao và công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện".
Cách làm sáng tạo
Mô hình “Chính quyền thân thiện” được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang và Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai xây dựng vào tháng 8/2021 với 3 xã điểm hướng tới ba tiêu chí gồm: Cán bộ thân thiện; hoạt động của chính quyền thân thiện; môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện với nhân dân. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra 209 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Từ tháng 4/2022, phường Lê Lợi (thành phố Bắc Giang) bắt đầu thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”. Phường đã thực hiện sáng kiến mô hình “Ngày thứ 6 nhanh” để phục vụ người dân tốt hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời bố trí môi trường công sở văn minh, thân thiện như: nơi ngồi chờ, cây xanh, wifi miễn phí, máy photo phục vụ người dân, nước uống…
Phó Chủ tịch UBND phường Lê Lợi Đỗ Thị Tuyết cho biết, vào ngày thứ 6 hàng tuần, phường tăng cường thêm cán bộ tại Bộ phận một cửa; phân công cán bộ, công chức hỗ trợ, hướng dẫn người dân điền thông tin vào tờ khai và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để giải quyết nhanh chóng công việc. Công an phường và cán bộ tổ dân phố phối hợp xác minh hộ tịch những trường hợp thuộc phạm vi quản lý.
Trong ngày thứ 6, công chức tại Bộ phận một cửa sẽ được sắp xếp không thực hiện các nhiệm vụ khác để ưu tiên giải quyết hồ sơ cho công dân bảo đảm nhanh, gọn. Các thủ tục hành chính được cán bộ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả dứt điểm trong ngày, không phải chờ đợi đúng thời gian hẹn, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại cho tổ chức và công dân.
Sau gần 12 tháng triển khai, mô hình đã thực hiện giải quyết hồ sơ cho gần 300 công dân. Số lượng người dân đến làm thủ tục vào ngày thứ 6 tăng gần 3 lần khi chưa thực hiện mô hình.
Đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, anh Nguyễn Văn Mạnh (phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang) cùng vợ sắp cưới nhận được kết quả chỉ sau hơn một giờ đồng hồ. Anh Mạnh cho biết, anh được cán bộ Bộ phận một cửa hướng dẫn cụ thể nên thủ tục hoàn thành rất nhanh. Nhờ đó, anh chị không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm được chi phí.
Tại nhiều phường, xã, thị trấn ở Bắc Giang, việc triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” được gắn với thực hiện mô hình “Công an xã tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì nhân dân phục vụ”.
Từ cuối tháng 11/2022, tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Nam đồng loạt ra mắt và triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” và “Công an xã tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (trong đó, cấp huyện khoảng 6,5 tỷ đồng; thị trấn Đồi Ngô - đơn vị làm điểm là 1,2 tỷ đồng; 24 xã, thị trấn còn lại khoảng 5 tỷ đồng).
Tại thành phố Bắc Giang, đến nay, tổng mức đầu tư để xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” là khoảng 10 tỷ đồng; trong đó, thành phố hỗ trợ ngân sách 5 tỷ đồng, các xã, phường đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để đáp ứng đầy đủ các điều kiện vận hành mô hình này.
*Thước đo sự hài lòng của người dân
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, mục tiêu của việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” là hiện thực hóa quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân ở cấp cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân; người dân là vai trò chủ thể còn chính quyền cơ sở phục vụ người dân.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, mô hình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, thể hiện qua phiếu khảo sát, đánh giá của người dân với tỷ lệ hài lòng ngày càng tăng. Cụ thể: Huyện Lục Nam, năm 2022 có 96% người dân hài lòng về phong cách phục vụ và thái độ của cán bộ công chức tại bộ phận một cửa huyện và cấp xã, thị trấn. Tại huyện Lạng Giang, thông qua kết quả lấy phiếu khảo sát của người dân đối với chính quyền ở 21 xã, thị trấn cho thấy, mức độ hài lòng đều đạt từ 90% trở lên (nhiều xã, thị trấn đạt 98%). Qua đó, tạo hiệu ứng tích cực, tăng niềm tin của người dân với chính quyền cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thịnh, “Chính quyền thân thiện” là mô hình mới được triển khai trên địa bàn nên vẫn còn nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai, một số đơn vị mới dừng ở bước đầu về mặt hình thức, chưa thực hiện được đầy đủ về các quy định, yêu cầu của "Chính quyền thân thiện". Các điều kiện về tiếp đón, hướng dẫn người dân, chất lượng phục vụ, thái độ của cán bộ công chức một số nơi vẫn chưa đạt yêu cầu.
Xác định xây dựng “Chính quyền thân thiện” là việc làm xuyên suốt, Bắc Giang tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng mô hình này. Từ năm 2023, tỉnh sẽ tiến hành chấm điểm, gắn sao công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “Chính quyền thiện” dựa trên 42 tiêu chí (thang điểm 100) về các nội dung: Cán bộ thân thiện; hoạt động của chính quyền thân thiện; môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện với nhân dân.
Theo đó, các đơn vị đạt chuẩn “Chính quyền thân thiện” phải đạt trên 80% tiêu chí (từ 80 điểm trở lên). Trong đó từ 80 đến 85 điểm là đơn vị đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện" 1 sao; từ 85 đến 90 điểm đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện" 2 sao; từ 90 đến 95 điểm đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện" 3 sao; từ 95 đến dưới 100 điểm đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện" 4 sao; đơn vị đạt 5 sao đạt đủ 100 điểm. Đây chính là động lực để chính quyền cấp cơ sở luôn phấn đấu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2023 có 30% đơn vị cấp xã đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện"; năm 2024 có 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn và năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn "Chính quyền thân thiện./.