Thừa Thiên – Huế: Xác định tầm nhìn xây dựng đô thị hiện đại, giàu bản sắc
Góp ý vào Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế, các chuyên gia cho rằng đơn vị tư vấn cần tính toán lại tốc độ phát triển dân số; làm rõ tính liên kết phát triển vùng và trong hành lang kinh tế Đông - Tây…
TTXVN - Chiều 1/4, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến “Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố lân cận, các chuyên gia, cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị tư vấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại đô thị và làm cơ sở tiến hành các đề án khác đảm bảo hoàn thành đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trong đầu năm 2024. Đây là đồ án Quy hoạch mang tính chất bản lề, định hướng mô hình phát triển tổng thể về không gian đô thị, xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cơ bản như: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên - Huế trong tương lai; dự báo phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn; định hướng không gian, mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội toàn đô thị, khu vực đô thị trung tâm.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo góp ý đơn vị tư vấn cần tính toán lại tốc độ phát triển dân số của địa phương; làm rõ tính liên kết phát triển vùng và trong hành lang kinh tế Đông - Tây; việc phát triển hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đô thị Chân Mây - Lăng Cô; vai trò động lực của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sau khi được mở rộng; việc bố trí không gian bảo tồn thiên nhiên…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần có sự đột phá về tầm nhìn phát triển hơn nữa. Thừa Thiên – Huế trong tương lai phải mang hình hài của một đô thị hiện đại, đây là xu hướng tất yếu, đồng thời vẫn nổi bật được vai trò của một Cố đô di sản thế giới./.