Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tháo gỡ điểm nghẽn về thực thi thủ tục hành chính
Bình Phước cần đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm từ ngày 1/6 tới người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.
TTXVN - Chiều 29/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đánh giá trên Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, Bình Phước đã đạt 71,69/100 điểm, xếp loại khá, đứng thứ 10/63 địa phương trong cả nước. Điểm số một số nhóm chỉ tiêu đạt khá như dịch vụ công trực tuyến (8/12 điểm), một số chỉ tiêu đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ như tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (74,83%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (64,12%).
Theo bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, là một trong các khâu đột phá để phát triển. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chuyên đề riêng trong lĩnh vực này; triển khai quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Từ kết quả theo dõi độc lập của Văn phòng Chính phủ, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, Bình Phước đã thực hiện công bố, công khai cơ bản đầy đủ thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Công khai thông tin về Bộ thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện; cho phép tra cứu, theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ.
Tuy nhiên, còn có hạn chế là một số quyết định công bố thủ tục hành chính chưa được công khai kịp thời; chưa tích hợp, đồng bộ chính xác dữ liệu thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Việc đồng bộ, công khai, minh bạch hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu Chính phủ. Từ đầu năm 2023 đến nay còn 20,95% chưa đồng bộ, tương ứng với 44.553 hồ sơ.
Hằng năm, tỉnh đều ban hành và thực hiện Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, phương án đơn giản hóa chủ yếu tập trung vào cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh, hầu như không có đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa trình tự, hồ sơ, yêu cầu điều kiện thủ tục hành chính để đề xuất các bộ, ngành Trung ương đơn giản hóa.
Việc xử lý, công khai kết quả xử lý các phản ánh kiến nghị chưa đảm bảo theo quy định, vẫn còn phản ánh kiến nghị chưa xử lý, quá hạn. Qua thống kê trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, năm 2021 tỉnh có 8 phản ánh kiến nghị, năm 2022 có 34 phản ánh kiến nghị và năm 2023 có 12 phản ánh kiến nghị chưa xử lý, quá hạn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Với các vấn đề còn hạn chế được nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sớm có giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng lưu ý, lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các cơ quan, địa phương cần quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ được giao. Quyết liệt, rà soát hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu và các ứng dụng của dữ liệu dân cư. Đây là Đề án đột phá của chuyển đổi số quốc gia, thành công của Đề án 06 sẽ là thành công của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương.
Đề nghị Bình Phước, chú trọng, ưu tiên đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm từ ngày 1/6 tới người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; tăng cường việc tái sử dụng dữ liệu số hóa để đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân, cũng như tăng năng suất lao động của cán bộ, công chức.
UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Chỉ đạo các sở, ban, ngành tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác, thường xuyên, liên tục phục vụ đánh giá các nhóm chỉ số trên Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp (theo Quyết định 766/QĐ-TTg) để điều hành, nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn về thực thi thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, kịp thời xử lý nhũng nhiễu tiêu cực.
Một lưu ý khác được Bộ trưởng nêu ra là triển khai thống kê đầy đủ, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn, kịp thời sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, rút ngắn thời gian trong giải quyết các công việc nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Tỉnh tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử" đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử./.
- Từ khóa:
- Thủ tục hành chính
- Số hóa hồ sơ
- Đề án 06