Chính phủ hành động

Xây dựng Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước

Sáng 16/5, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chu Thanh Vân)

TTXVN - Hội thảo do dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID/LinkSME) hỗ trợ, với sự hiện diện của hơn 100 đại biểu đại diện cho 23 bộ, cơ quan, 15 địa phương, 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp vào Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, trên nguyên tắc dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực.

Văn phòng Chính phủ đã triển khai thành công bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước mắt là tập trung vào 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chỉ đạo điều hành và 8 chỉ tiêu thống kê, cũng như bộ chỉ số theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử). Đây là bộ số liệu được các địa phương chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 8/2022, phục vụ cho việc tăng cường kỷ cương hành chính, tập trung vào gỡ các nút thắt trong thực thi thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, qua đó, tăng trách nhiệm giải trình cũng như cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và từng bước chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ xây dựng bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo ông Ngô Hải Phan, xây dựng bộ chỉ số này là chúng ta đang tiếp cận với thông lệ tốt của quốc tế trong quản trị công, nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố đặc thù của Việt Nam, cũng như thiết kế của bộ máy theo nguyên tắc nhà nước đơn nhất, trên là Chính phủ, dưới là các bộ, ngành và địa phương, các cấp chính quyền.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính. (Ảnh: Chu Thanh Vân)

Ông Ngô Hải Phan đặt ra đề bài, “tận dụng, kế thừa thế nào để hệ thống này chi phí ở mức chấp nhận được, nhưng hiệu quả tối ưu nhất. Đặc biệt là kết nối, chia sẻ trực tiếp thông qua cơ quan đầu mối là Văn phòng Chính phủ để có thể chia về cho các tập đoàn, tổng công ty, các bộ, ngành, địa phương những chỉ số mà Trung ương cập nhật. Ngược lại, những chỉ số địa phương hình thành sẽ tích hợp về trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành để chia sẻ lại cho các bộ, ngành để giảm thiểu chi phí đầu tư”.

Theo ông, có những nền tảng dùng chung, có nền tảng tự phát triển, nhưng trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm hiệu quả đầu tư, hiệu lực chỉ đạo điều hành, tận dụng những hệ thống thông tin, nền tảng đang có.

Giám đốc Dự án USAID/LinkSME Daniel Fitzpatrick cho biết, LinkSME được thực hiện bởi hai cơ quan chủ hợp phần chính là Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Dự án khởi động từ năm 2018 và sẽ kết thúc các hoạt động kỹ thuật trong tháng tới.

Một trong những sứ mệnh chính của dự án là hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua hoàn thiện thể chế và đơn giản hóa các quy định, thủ tục nhằm cắt giảm các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Nhiều nhà cải cách ở Việt Nam cũng như các nước thường xuyên nhấn mạnh rằng việc thực thi luật, quy định, thực thi các thủ tục cũng quan trọng như bản thân của các quy định đó. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi các quy định phụ thuộc một phần vào việc các cấp lãnh đạo và cán bộ thực thi có được các thông tin cập nhật chính xác và hữu ích về các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không.

Các Chính phủ trên toàn thế giới đang tiến tới chuyển đổi số và Chính phủ Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Văn phòng Chính phủ hiện đang triển khai hệ thống theo dõi những cải thiện trong môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua dữ liệu số.

Giám đốc Dự án USAID/LinkSME Daniel Fitzpatrick. (Ảnh: Chu Thanh Vân)

“Dự án USAID/LinkSME tự hào khi được cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật giúp chuẩn hóa, số hóa và xây dựng quy trình chuẩn để kết nối, tích hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu theo thời gian thực giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, nhằm cung cấp cho các cán bộ Chính phủ thông tin hữu ích, nhất quán và đầy đủ hơn”, ông Daniel Fitzpatrick chia sẻ.

Từ nửa cuối năm 2022, LinkSME đã và đang hỗ trợ hoạt động này thông qua việc đồng tổ chức một số sự kiện khảo sát thực địa và tuyển dụng nhóm chuyên gia tư vấn để xây dựng và đề xuất khung bộ chỉ số. Thời gian qua, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng khung bộ chỉ số để đưa ra lấy ý kiến tham vấn tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu Khung bộ chỉ số chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các địa phương; nhu cầu chia sẻ dữ liệu từ các bộ, ngành cho Chính phủ và các địa phương; tham luận, đánh giá, góp ý về Khung bộ chỉ số.

Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước là tập hợp các chỉ số được thu thập một cách có hệ thống nhằm theo dõi, giám sát, đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Các tiêu chí lựa chọn chỉ số dựa trên các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của bộ, ngành, địa phương. Các chỉ số phải hiển thị, phản ánh, định lượng, đo lường được những gì đang xảy ra trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; chỉ rõ được hành động, giải pháp để cải tiến hiện trạng, có khả năng phân tích, dự báo được xu hướng. Chỉ số được cập nhật thường xuyên, liên tục theo ngày, tuần, tháng thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm