Giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Trà Vinh
Đến ngày 4/5/2023, tỉnh Trà Vinh đã giải ngân gần 44 tỷ đồng, đạt 9,35 % tổng nguồn vốn để thực hiện các chương trình.
TTXVN - Ngày 12/5, Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với tỉnh Trà Vinh về tình hình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trà Vinh Hồng Ngọc Hưng cho biết, năm 2023, tỉnh được Trung ương phân bổ 468,596 tỷ đồng để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên. Đến ngày 4/5/2023, tỉnh đã giải ngân gần 44 tỷ đồng, đạt 9,35 % tổng nguồn vốn để thực hiện các chương trình.
Trà Vinh hiện có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã nông thôn mới nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đang hoàn thiện hồ sơ chờ Thủ tướng quyết định công nhận.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, tỉnh giảm được 4.803 hộ nghèo, tương đương giảm 1,68% hộ nghèo so với năm 2021, vượt 1,18% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022. Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến cuối năm 2022, Trà Vinh giảm 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương giảm 2.218 hộ, chưa đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao (là 3%/năm). Tỉnh đã đưa 2/2 xã và 2/10 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Số liệu rà soát để đề xuất ban hành hai quyết định này từ năm 2019 theo chuẩn nghèo đa chiều cũ. Hiện nay, nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II, trong khi các xã này vẫn còn một số khó khăn.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% xuống còn 1%/năm. Bởi thực tế ở địa phương, số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2022 là 6.581 hộ, chiếm 3,91% so với tổng số hộ dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng giảm 3% trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo của giai đoạn 2022-2025 tỉnh Trà Vinh rất khó thực hiện.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ đất ở, nhà ở tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn thừa của một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (do nhiều hộ đã thoát nghèo nên không còn đối tượng hỗ trợ) sang thực hiện các dự án khác trong cùng một chương trình.
Trà Vinh kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn bổ sung quy định chi phí quản lý hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho chuỗi giá trị; cho phép tỉnh đầu tư xây dựng hai trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn xã không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng có học sinh là người dân tộc thiểu số theo học; đầu tư tôn tạo di tích lịch sử tôn giáo cấp quốc gia của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi….
Tại buổi làm việc, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Theo ông, tỉnh cần rà soát lại tất cả văn bản đã ban hành để báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các văn bản chưa rõ, chưa phù hợp, hoặc bất cập; rà roát lại toàn lại bộ máy thực hiện các chương trình trên. Tỉnh cần huy động các đơn vị chuyên môn trong tuyên truyền, thực hiện các văn bản hướng dẫn đảm bảo tính chính xác và thống nhất.
Bên cạnh công tác giải ngân nguồn vốn được bố trí, Trà Vinh cần chú trọng tính hiệu quả trong thực hiện chương trình, xây dựng các giải pháp mang tính bền vững; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác... Đặc biệt, địa phương cần sáng tạo trong xây dựng các mô hình giảm nghèo để nhân rộng; tích cực huy động sự tham gia của đối tượng thụ hưởng là người dân để tăng tính hiệu quả trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Phan Đức Hiếu lưu ý tỉnh Trà Vinh cần chủ động, linh hoạt trong công tác lập kế hoạch; có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để thực hiện dứt điểm từng phần việc trong đầu tư các dự án… Đối với những kiến nghị của tỉnh Trà Vinh, Tổ công tác sẽ tổng hợp để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét giải quyết./.