Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thiện đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc
Liên quan đến vấn đề đường gom, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ đã nhận diện vấn đề này từ đầu năm và chỉ đạo phải làm bù, xây dựng thông tư hướng dẫn, tổ chức đấu thầu xây dựng.
TTXVN - Chiều 7/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thông tin, trao đổi về việc hoàn thiện hệ thống đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc; vấn đề giảm chi phí vận tải, logistics.
* Bất cập về đường gom, đường dân sinh, trạm dừng nghỉ
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) nêu thực trạng, dự án thành phần cao tốc có tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng, song hạng mục đường gom chưa hoàn thiện, ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp.
Nhiều tuyến cao tốc đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ, gây bất tiện cho người tham gia giao thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, nhất là tại dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, các đường dân sinh phụ trợ cho việc xây dựng đường cao tốc xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều bất tiện trong cuộc sống. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch triển khai những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này khi trong tương lai chúng ta đã và đang xây dựng rất nhiều các tuyến đường cao tốc.
Giải đáp các vấn đề trên của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc đầu tư các trạm dừng nghỉ đang gây bất cập. Một số tuyến trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông chưa có trạm dừng nghỉ. Bộ đã nhận diện vấn đề này từ đầu năm và chỉ đạo phải làm bù, xây dựng thông tư hướng dẫn, tổ chức đấu thầu xây dựng trạm dừng nghỉ.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, sắp tới, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu 8 trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, việc này đang vướng mắc về quy chuẩn khi trước đây quy định trạm dừng nghỉ chỉ có quy mô 1 ha, song thực tế hiện tại phải tối thiểu 3 ha mới làm được. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải đang rất quyết liệt xử lý nốt các vướng mắc và cam kết khi hoàn thành tuyến cao tốc sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để khai thác.
Về thực trạng thiếu đường gom, đường dân sinh, Bộ trưởng lý giải, do nhu cầu đi lại của người dân rất cao, không thể chờ dự án hoàn thành 100% và một số dự án còn khoảng 30%, 40% đường dân sinh chưa hoàn chỉnh. Bộ Giao thông vận tại đã tính đến phương án đường gom và trong khoảng thời gian còn lại phải khẩn trương hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lý giải nguyên nhân chậm trễ của một số dự án không phải là do nhà thầu hay do Ban Quản lý dự án mà do người dân ngăn chặn. Lý do là có những trường hợp chưa đền bù thỏa đáng, có những trường hợp chưa giải phóng mặt bằng… Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu nhà thầu phối hợp địa phương xử lý rốt ráo việc này, tập trung máy móc để hoàn thiện dự án, chậm nhất là ngày 30/6.
* Tìm giải pháp để giảm chi phí vận tải, logistics
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) phản ánh tình trạng chi phí vận tải, logistics của Việt Nam khá cao, thậm chí cao hơn các nước đang phát triển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ các giải pháp để giảm chi phí vận tải, logistics trong thời gian tới.
Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, chi phí logistic rất cao, trung bình 16,8 - 17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20 - 25%. Theo đại biểu, để giảm gánh nặng này, cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, chi phí logistics ở Việt Nam trước đây là 21%. Theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ đạt 16 - 20%, hiện nay đã cố gắng đạt 16,8% song vẫn còn cao so với thế giới (11%).
Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các giải pháp như phát triển hạ tầng, tăng kết nối cảng biển với cao tốc, cảng biển và đường thủy nội địa. Ví dụ từ cảng Cái Mép - Thị Vải, hơn 70% container vận tải bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên, các cảng biển ở phía Bắc không đạt do tĩnh không các cầu trên đường thủy không đạt yêu cầu. Do đó, giải pháp là cải tạo, nâng cao tĩnh không các cầu; đồng thời rà soát giá, phí vận tải, giảm phí đường bộ, phí ra vào cảng biển, để doanh nghiệp logistics và cảng biển giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó là phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như: phải giảm sử dụng phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển. "Chúng ta phải tập trung ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc vận hành, khai thác các chuỗi cung ứng logistics để các doanh nghiệp khai thác logistics và các doanh nghiệp cảng biển có điều kiện để giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; phát triển các "cảng xanh", "cảng thông minh", góp phần giảm thời gian để tiếp nhận tàu ra, vào và tăng năng suất khai thác./.