Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp trong đào tạo, sát hạch lái xe
Trả lời về vấn đề giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Bộ thực hiện thanh tra toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố về chất lượng đào tạo, tổ chức thi lý thuyết, sát hạch lái xe.
TTXVN - Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời, thông tin về công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe; về tình hình tai nạn giao thông do xe kinh doanh vận tải gây ra và những vấn đề đặt ra hiện nay với các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
*Cần đổi mới đào tạo, sát hạch lái xe
Về tình hình tai nạn giao thông do xe kinh doanh vận tải gây ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) dẫn lại báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải thống kê, tai nạn do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa chấp hành nghiêm quy định như giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe; ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến khi lái xe tải chạy quá giờ, chạy quá tốc độ, chạy xuyên ngày đêm dẫn tới buồn ngủ, gây tai nạn. Đại biểu Nguyễn Thị Huế chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp để siết lại tình trạng này.
Bên cạnh đó, đại biểu đưa ra vấn đề, tại một số địa phương, công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn nhiều hạn chế như: đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện. Công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Trả lời về vấn đề giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Bộ thực hiện thanh tra toàn diện trên 63 tỉnh, thành phố về chất lượng đào tạo, tổ chức thi lý thuyết, sát hạch lái xe.
Trong đó, khi phát hiện việc đào tạo, cấp bằng cho người nghiện, không đủ hành vi, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Bộ xử lý nghiêm; đồng thời, chuyển 6 bộ hồ sơ sang cơ quan Công an xử lý.
Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương chỉ đạo sửa đổi các thông tư, siết chặt quản lý, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp bằng cho các đối tượng nghiện ma túy. Bộ trưởng khẳng định các giải pháp sắp tới sẽ được thể hiện rõ trong các văn bản chỉ đạo, thông tư.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, công tác sát đào tạo, sát hạch, cấp bằng, thanh tra, kiểm tra đã phân cấp, phân quyền cho địa phương. Bộ Giao thông Vận tải chỉ chịu trách nhiệm chức năng quản lý Nhà nước. Bộ đã có chỉ đạo tất cả các Sở Giao thông Vận tải phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm vi phạm.
Đối với hiện tượng chủ doanh nghiệp vận tải ép các tài xế chạy xuyên đêm, gây tai nạn, Bộ trưởng cho biết đây là một thực tế được dư luận, báo chí phản ánh. Trong Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với các vụ tai nạn giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần chủ trì đánh giá xác định nguyên nhân, giải pháp để khắc phục, rút kinh nghiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đã nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định hợp lý trong dự thảo các luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông sắp được trình Quốc hội.
Tranh luận về vấn đề đào tạo lái xe, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế các vướng mắc, bất cập hiện nay gây lãng phí nguồn lực, thời gian cho xã hội và khó thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, quy định dạy học lý thuyết theo truyền thống, học viên phải đến lớp điểm danh,... không còn phù hợp với đa số người học, đi ngược lại với xu hướng, thành quả của khoa học, công nghệ. Theo đại biểu, việc đào tạo, sát hạch lái xe là hoạt động nghề nghiệp, theo quy định có hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên, nhưng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cử tri và nhân dân.
Trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, qua đợt rà soát vừa qua, Bộ nhận diện ra những hạn chế, vướng mắc nêu trên. Giải pháp của Bộ là sẽ điều chỉnh những vấn đề không còn phù hợp trong thông tư, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo thuận lợi, tránh lãng phí,...
*Khắc phục vướng mắc về cơ chế tài chính trong các dự án BOT
Phát biểu chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu lên vấn đề, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành Giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Đại biểu nêu dẫn chứng, nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn Đắk Lắk theo hình thức BOT. Sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản. Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án giải quyết vấn đề trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, có việc các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT, tuy nhiên sau đó nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
Bộ trưởng cho biết, cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông. Chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.
Ngay trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính, nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp. Với dự án đại biểu nêu, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Bộ trưởng cho biết đây là một tồn tại, hạn chế. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh./.