Văn hóa

Gốm Chu Đậu quảng bá văn hóa Việt tại Kỳ họp ABAC III

Hải Phòng

Với định hướng xúc tiến đầu tư quy mô lớn mà Hải Phòng đang triển khai, đại diện doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia sân chơi toàn cầu, lan tỏa giá trị gốm Chu Đậu như một sứ giả văn hóa của Việt Nam trong giao lưu quốc tế.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu và các vị khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm. 
Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN

Ngày 16/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng đã tổ chức chuyến tham quan làng gốm Chu Đậu dành cho 80 vị khách quốc tế là phu nhân, phu quân của các đại biểu tham dự kỳ họp. Đây là sự kiện ý nghĩa bên lề Kỳ họp thứ 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) diễn ra từ ngày 15-18/7 tại Hải Phòng nhằm giới thiệu một nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tại buổi tham quan, các đại biểu quốc tế tìm hiểu quy trình sản xuất, tham quan khu trưng bày và trực tiếp trải nghiệm vẽ trên gốm. Bà Amy Chien, đến từ Đài Loan (Trung Quốc), chăm chú theo dõi từng thao tác của nghệ nhân và đặt nhiều câu hỏi với hướng dẫn viên. Bà bày tỏ: “Tôi yêu thích và ấn tượng với những sản phẩm gốm ở đây. Được chứng kiến các bước tạo ra sản phẩm, được tận tay vẽ lên gốm, tôi rất thích thú và ấn tượng về kỹ thuật làm gốm của Việt Nam”.

Một số đại biểu quốc tế bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà Amy Chien cho biết thêm: “Trong tương lai, tôi có thể sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư hoặc đề xuất với Chính phủ những chính sách để gia tăng lượng sản phẩm gốm Việt Nam nói chung và gốm Chu Đậu nói riêng vào thị trường Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc)”.

Ông Don Russell, đại biểu đến từ Australia chia sẻ: “Tôi không chỉ ấn tượng với việc Hải Phòng bảo tồn được nghề gốm truyền thống mà còn đánh giá cao nỗ lực khôi phục, phát triển nghề nhằm gia tăng thu nhập cho người dân địa phương”. Đánh giá cao chương trình do thành phố Hải Phòng tổ chức, ông Don Russell nhấn mạnh: “Chuyến đi đã giúp chúng tôi hiểu thêm về nét đặc sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa Hải Phòng. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế”.

Các vị khách quốc tế thích thú tìm hiểu về quy trình sản xuất gốm Chu Đậu. 
Ảnh: Mạnh Tú – TTXVN

Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty Gốm Chu Đậu cho biết: "Để phục dựng và phát triển dòng gốm cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng yếu tố con người. Chúng tôi xác định đội ngũ nghệ nhân là nền tảng cốt lõi nên luôn có chính sách đãi ngộ tốt để họ thỏa sức sáng tạo và đóng góp ý tưởng phát triển sản phẩm. Song song với bảo tồn truyền thống, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ dòng gốm Chu Đậu trong và ngoài nước".

Đón tiếp đoàn khách quốc tế bên lề Kỳ họp ABAC III là một vinh dự lớn đối với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đưa gốm Chu Đậu trở thành một trong những thương hiệu văn hóa tiêu biểu trong tiến trình hội nhập. Với định hướng xúc tiến đầu tư quy mô lớn mà Hải Phòng đang triển khai, đại diện doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia sân chơi toàn cầu, lan tỏa giá trị gốm Chu Đậu như một sứ giả văn hóa của Việt Nam trong giao lưu quốc tế

Các vị khách quốc tế thích thú tìm hiểu về quy trình sản xuất gốm Chu Đậu. 
Ảnh: Mạnh Tú – TTXVN

Gốm Chu Đậu là dòng gốm cổ cao cấp, từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ XIV đến XVII tại làng Chu Đậu, bên tả ngạn sông Thái Bình, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (cũ), nay thuộc xã Thái Tân, thành phố Hải Phòng. Trong lịch sử, gốm Chu Đậu từng được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, góp phần rạng danh văn hóa Việt trên bản đồ gốm sứ thế giới. Sau nhiều thế kỷ mai một, từ năm 2001, dòng gốm quý này đã được Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, thành viên của Tập đoàn BRG, phục dựng thành công và phát triển mạnh mẽ.

Gốm Chu Đậu được chế tác hoàn toàn thủ công qua năm công đoạn chính: Làm đất, tạo hình, trang trí hoa văn, tráng men và nung đốt. Dòng men cổ tự nhiên như men ngọc, men rạn, men trắng trong kết hợp với các họa tiết truyền thống như hoa sen, rồng, phượng, cá chép hóa rồng, thư pháp... tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho từng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm gốm Chu Đậu đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, được trưng bày ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới và được lựa chọn làm quà tặng ngoại giao cao cấp của Việt Nam./.

Mạnh Minh

Xem thêm