Nghề gốm Mỹ Thiện, xã Bình Sơn nổi bật với các sản phẩm gốm gia dụng, gốm thờ cúng và vật liệu xây dựng truyền thống, được chế tác hoàn toàn thủ công bằng tay, nung bằng lò củi, thể hiện kỹ thuật tinh xảo và bản sắc riêng biệt của vùng đất Quảng Ngãi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 2208/QĐ-BVTTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề gốm Mỹ Thiện, xã Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là dấu mốc, bước ngoặt quan trọng để làng nghề bứt tốc, phát triển bền vững trong tương lai.
*Động lực để nghệ nhân gắn bó lâu dài
Nghề gốm Mỹ Thiện, xã Bình Sơn nổi bật với các sản phẩm gốm gia dụng, gốm thờ cúng và vật liệu xây dựng truyền thống, được chế tác hoàn toàn thủ công bằng tay, nung bằng lò củi, thể hiện kỹ thuật tinh xảo và bản sắc riêng biệt của vùng đất Quảng Ngãi.
Khi hay tin nghề gốm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rất đông người dân địa phương đã đến động viên, chúc mừng vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh - những người cuối cùng còn gắn bó với nghề gốm truyền thống có tuổi đời lên tới hơn 200 năm.
Vừa thoăn thoắt đắp vẽ họa tiết cho sản phẩm bình gốm cỡ đại mới tạo hình xong, nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cho hay, đây là thành quả xứng đáng cho hành trình dài đầy gian nan mà hai vợ chồng ông đồng tâm hiệp lực vượt qua để viết tiếp giấc mơ hồi sinh, phát triển nghề gốm Mỹ Thiện cha ông trao truyền đang đứng trước bờ vực mai một.
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh chia sẻ, nghề gốm có lúc thăng, lúc trầm, lúc thành công, lúc thất bại, song cần phải mạnh mẽ chấp nhận thì mới có thể bám trụ lâu dài được. Ông nhấn mạnh: "Sẽ không có việc gì khó nếu bản thân mình thực sự quyết tâm và có niềm yêu nghề mãnh liệt".
Khi biết được Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trịnh vui mừng bày tỏ: "Từ giờ, vị thế của làng nghề được nâng cao, mở ra cơ hội lớn trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, thu hút nguồn lực đầu tư. Vợ chồng tôi rất vinh dự, tự hào và sẽ lấy đó làm động lực để tiếp tục tận hiến. Ngoài việc trực tiếp sản xuất, quảng bá về nghề gốm, vợ chồng tôi đảm nhận thêm một trọng trách khác - đó là “truyền lửa” cho thế hệ tiếp nối. Hi vọng rằng, làng gốm Mỹ Thiện sẽ ngày càng “khoác” lên mình diện mạo tươi mới, lấy lại được sự thịnh vượng, giàu có năm xưa và mãi trường tồn, hòa mình cùng dòng chảy văn hóa dân tộc”.
*Thúc đẩy, nâng cao giá trị làng nghề
Theo Quyết định 2208/QĐ-BVTTTDL, nghề gốm Mỹ Thiện được xếp vào loại hình “Nghề thủ công truyền thống” và chính thức trở thành một phần trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là dấu mốc, cơ hội lớn để nghề gốm Mỹ Thiện khẳng định được giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc và sức sống bền bỉ mà còn là bước đệm quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy và phát triển du lịch, kinh tế địa phương.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi thông tin, việc tận dụng các tri thức bản địa vào phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp địa phương luôn tạo nên ấn tượng tốt bởi sự thành công về kinh tế cũng như văn hóa. Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, việc tăng cường thực hành sinh kế trên cơ sở của tri thức bản địa còn góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Làng gốm Mỹ Thiện có đủ điều kiện, điểm mạnh để triển khai theo định hướng này.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết thêm, việc gắn kết làng nghề với các tour du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm là một chiến lược khả thi. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ chú trọng đầu tư hạ tầng làng nghề, xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tạo ra “điểm đến” hấp dẫn thông qua kết nối làng nghề với các địa điểm du lịch, thắng cảnh nổi tiếng như Gành Yến, biển Lệ Thủy, mũi Ba Làng An, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái cùng với các giá trị nổi trội của các di sản văn hóa phi vật thể như hò bả trạo, bài chòi, các làng nghề truyền thống… Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng Dự án “Du lịch, tham quan, trải nghiệm di sản quốc gia gốm Mỹ Thiện”. Đến đây, du khách được trực tiếp nhào nặn đất sét, quan sát quá trình tạo hình và nung gốm, lắng nghe những câu chuyện về lịch sử của làng nghề.
Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan để hỗ trợ nghệ nhân và người dân trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng, tạo điều kiện để làng nghề phát triển bền vững. Địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ thương mại điện tử, nhãn hiệu… nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gốm trên thị trường. Bảo tồn gắn với phát triển; gìn giữ di sản nhưng vẫn tạo ra giá trị kinh tế, đời sống ổn định cho người dân chính là mục đích cuối cùng mà tỉnh Quảng Ngãi hướng đến./.