Với khoảng 500 trang nội dung chính, cuốn sách là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm dữ liệu và phân tích thực tiễn.
Cuốn sách “Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá” của hai tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành lần thứ ba năm 2025, là một công trình nghiên cứu công phu, phản ánh quá trình vận động và biến đổi của nền kinh tế Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến cuối năm 2008. Từ những biến cố toàn cầu như khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 đến những bước ngoặt trong nước như Đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển hệ thống ngân hàng hai cấp hay hội nhập WTO, cuốn sách khắc họa một cách sâu sắc những giai đoạn “thăng trầm” và “đột phá” mà nền kinh tế nước ta đã đi qua.
Cuốn sách gồm 13 chương chia thành ba phần: Phần I là các giai đoạn với những thay đổi có mặt tích cực, có mặt hạn chế, trải dài theo thời gian mà ký ức về chúng vẫn còn in sâu trong nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Phần II phân tích những đột phá trong phát triển kinh tế - tài chính ở Việt Nam và cả sự thúc ép của các điều kiện kinh tế đương thời. Những đột phá ấy được phân tích trong cuốn sách như những phạm trù trọn vẹn, là những điểm nhấn làm sáng rõ hành trình mà nhiều sự kiện có thể che khuất bản chất “đột phá” của những sự kiện có tính chất bước ngoặt, như thay đổi cấu trúc hệ thống, chuyển hướng tư duy và bứt phá về mô hình. Trong Phần III, các vấn đề kinh tế vi mô và vĩ mô không chỉ xuất hiện một lần, mà lặp đi lặp lại, ở các dạng thức khác nhau, lúc ẩn lúc hiện. Từ đó, những vấn đề và bài học mà ích lợi của việc nhận thức những đột phá về cơ cấu và tư duy kinh tế không bị bó hẹp trong một khoảng không gian và thời gian cụ thể mà cho thấy đó còn là những quy luật phổ quát, có xu hướng lặp lại và biến thể mỗi lúc một phức tạp và bất ngờ hơn.
Một điểm nổi bật của công trình này là việc đặt tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam trong mối quan hệ với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Các biến động của thị trường tài chính quốc tế, xu thế toàn cầu hóa, dòng vốn ngoại, giá vàng, tỷ giá đôla Mỹ, thị trường bất động sản và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính 2008, được các tác giả phân tích kỹ lưỡng trong mối liên hệ hữu cơ với nền kinh tế Việt Nam. Nhờ vậy mà bạn đọc hiểu được rõ hơn những yếu tố ngoại sinh có tác động lớn đến kinh tế trong nước như thế nào, đồng thời nhận diện rõ hơn vai trò của điều hành vĩ mô, sự can thiệp của Chính phủ như thông qua chính sách tiền tệ, và năng lực của thị trường trong đối phó với khủng hoảng.
Không chỉ khắc họa thành tựu, cuốn sách cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề của nền kinh tế trong suốt 20 năm đầu tiến hành Đổi mới: từ tình trạng lạm phát phi mã đầu thập niên 1990, việc chậm hình thành thể chế kinh tế thị trường, những lệch lạc trong phát triển thị trường bất động sản, đến những biểu hiện “bầy đàn” trong thị trường vàng và chứng khoán. Các hiện tượng kinh tế được phân tích không chỉ ở một thời điểm mà còn trong chuỗi liên kết lịch sử, từ đó rút ra tính quy luật và gợi mở các hướng cải cách thể chế bền vững hơn trong tương lai.
Với khoảng 500 trang nội dung chính, cuốn sách là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm dữ liệu và phân tích thực tiễn. Các tác giả không đơn thuần tái hiện lịch sử kinh tế mà còn phản biện lại những quan điểm, phương thức phát triển kinh tế chưa hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, thúc đẩy các yếu tố nội lực để đưa Việt Nam hội nhập hiệu quả hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Cuốn sách Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá là một trong số ít công trình kết hợp được tư duy phản biện khoa học với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc từ cán bộ hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đến sinh viên, doanh nhân và những người quan tâm đến vận mệnh phát triển đất nước. Đặc biệt, hệ thống tra cứu ở cuối sách, cùng các bảng biểu, số liệu và hình ảnh minh họa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo và nghiên cứu chuyên sâu./.