Mạng xã hội không còn là khái niệm xa lạ với người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Trong vòng hơn một thập kỷ qua, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với điện thoại thông minh đã khiến mạng xã hội trở thành một phần quen thuộc trong đời sống cộng đồng.
Mạng xã hội không còn là khái niệm xa lạ với người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Trong vòng hơn một thập kỷ qua, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với điện thoại thông minh đã khiến mạng xã hội trở thành một phần quen thuộc trong đời sống cộng đồng. Điều đáng chú ý là bên cạnh việc kết nối thông tin, mạng xã hội còn đang làm thay đổi cách người dân tổ chức sinh hoạt kinh tế, giữ gìn văn hóa, giao tiếp cộng đồng và xây dựng bản sắc dân tộc.
Thực tiễn tại các bản làng miền núi đã cho thấy nhiều thay đổi rõ nét trong cách người dân kết nối và sinh hoạt cộng đồng. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và đưa ra những đánh giá cụ thể, nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội trong quá trình phát triển hiện nay.
*Từ bản làng đến không gian số
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trong hơn mười năm trở lại đây, mạng xã hội đã có mặt ở hầu hết các xã vùng cao, vùng sâu của miền núi phía Bắc. Nhờ sự mở rộng của đường truyền mạng và tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tăng cao, mạng xã hội trở thành công cụ giao tiếp, buôn bán và truyền thông hiệu quả đối với người dân tộc thiểu số.
Ở nhiều bản làng như Tả Phìn (Lào Cai), Mường So (Lai Châu), Mường Lò (Yên Bái)… người Dao, người Thái, người Mông đã dùng mạng xã hội để bán hàng, quảng bá đặc sản địa phương, chia sẻ hình ảnh bản sắc văn hóa. Người dân tự quay video, đăng bài viết, phát trực tiếp để giới thiệu sản phẩm như rượu ngô, thịt khô, thổ cẩm, thuốc nam, cây dược liệu… và giao dịch trực tuyến với người mua ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí ở nước ngoài.
Không chỉ là công cụ phát triển kinh tế, mạng xã hội còn giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nhiều người trẻ tích cực chia sẻ về trang phục truyền thống, nhạc cụ, phong tục, các câu chuyện kể dân gian. Một số cộng đồng như người Mông, người Dao còn khôi phục và sử dụng lại chữ viết dân tộc của mình dưới dạng viết theo bảng chữ cái phổ thông để tiện trao đổi trên mạng. Việc sử dụng chữ viết dân tộc trên mạng xã hội không chỉ giúp bảo tồn ngôn ngữ, mà còn nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa trong giới trẻ.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, mạng xã hội đang làm thay đổi cấu trúc cộng đồng. Trước đây, già làng, trưởng bản, người có uy tín là trung tâm điều phối, nhưng hiện nay, lớp trẻ với khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng lại đang dần trở thành người dẫn dắt các hoạt động trong cộng đồng. Điều này dễ dẫn đến khoảng cách thế hệ nếu thiếu sự phối hợp và hướng dẫn phù hợp.
Từ thực tế trên, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn đề xuất một số giải pháp như, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả cho người dân, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để làm cầu nối giữa truyền thống và hiện đại; khuyến khích các bản làng xây dựng mô hình mạng cộng đồng có định hướng, nhằm vừa khai thác mặt tích cực của mạng xã hội, vừa gìn giữ được bản sắc riêng.
*Từ mạng kết nối đến văn hóa số
Ở góc nhìn xã hội học, Thạc sỹ Trần Thùy Dương, Giảng viên Khoa Nhân học và Tôn giáo học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, mạng xã hội không chỉ thay đổi phương thức giao tiếp, mà còn làm xuất hiện các mối quan hệ mới, đồng thời tạo ra ảnh hưởng mới trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Thay vì tập trung vào già làng hay cán bộ thôn bản, giờ đây có những người trẻ, năng động, giỏi sử dụng mạng, đã trở thành người có ảnh hưởng lớn qua các trang cá nhân hoặc nhóm chia sẻ trực tuyến.
Các nhóm mạng xã hội không còn giới hạn ở cấp bản hay xã, mà ngày càng kết nối rộng hơn, liên kết giữa các tỉnh, giữa người dân trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài. Có nhóm chuyên bán hàng người Mông, nhóm chia sẻ lễ hội người Thái, nhóm dạy tiếng Dao… với hàng chục nghìn thành viên, hoạt động thường xuyên, tạo ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và hành vi của cộng đồng.
Bên cạnh xu hướng kết nối cộng đồng, Thạc sỹ Trần Thùy Dương cũng chỉ ra một xu hướng ngược lại là phân tán cộng đồng. Một số nhóm đề cao bản sắc riêng đến mức bài trừ những yếu tố khác biệt, gây ra tranh cãi, mất đoàn kết. Ngoài ra, thông tin sai lệch, mê tín, hoặc nội dung phản cảm dễ lan truyền nếu không được kiểm soát.
Thạc sỹ Trần Thùy Dương cho rằng cần có định hướng sớm từ cả phía cộng đồng và chính quyền như: khuyến khích xây dựng các nhóm tích cực để giới thiệu văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp một cách lành mạnh; xây dựng các trung tâm văn hóa số cộng đồng tại vùng sâu vùng xa, nơi có thể tổ chức lớp học kỹ năng làm nội dung mạng, giúp người dân phát triển kinh tế gắn với gìn giữ văn hóa; tổ chức các cuộc thi sáng tạo nội dung số trong cộng đồng dân tộc, nhằm phát hiện, tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, lan tỏa giá trị tốt đẹp.
Theo Thạc sỹ Trần Thùy Dương, một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi hiện nay đó là sự nổi bật của phụ nữ dân tộc trên không gian mạng. Nếu như trước đây, phụ nữ chủ yếu đảm nhiệm công việc gia đình thì nay họ đang từng bước khẳng định vai trò mới thông qua việc bán hàng trực tuyến, làm video, hướng dẫn sử dụng sản phẩm địa phương hoặc chia sẻ kiến thức dân gian. Họ không chỉ là người truyền cảm hứng trong cộng đồng mà còn trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ dân tộc đã khởi nghiệp thành công từ mạng xã hội, tạo ra thu nhập ổn định, góp phần nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Sự chủ động của họ đã tạo nên những “mô hình phụ nữ bản lĩnh” vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế một hình ảnh mới đang dần phổ biến ở các vùng cao.
Thạc sỹ Trần Thùy Dương đề xuất, để hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc phát triển bền vững trong môi trường mạng xã hội, cần có các chương trình đào tạo chuyên biệt về thương mại điện tử, quản lý nội dung, và bảo vệ quyền riêng tư. Đây sẽ là nền tảng giúp họ tiếp cận cơ hội công bằng hơn trong nền kinh tế số, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong quá trình chuyển đổi số ở vùng dân tộc./.
- Từ khóa:
- Mạng xã hội
- người dân tộc thiểu số